20/04/2016 08:55 GMT+7

Kinh nghiệm dạy bơi cho học sinh "phố núi"

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Sau cái chết thương tâm của 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi), nhiều bạn đọc đặt vấn đề cần phải trang bị các kỹ năng sống cho trẻ, trong đó có việc dạy cho trẻ biết bơi. Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến về nội dung này.

Với kinh nghiệm ở một trường học có tổ chức dạy bơi cho học sinh hai mùa hè 2014, 2015, tôi xin chia sẻ mấy vấn đề.

Trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) của chúng tôi là trường công lập, nằm ở vùng ven. Phố núi, nhiều học sinh không biết bơi, đã có em chết đuối khi đi chơi hồ, suối. Làm sao tổ chức dạy bơi cho học sinh và làm sao để các em có mùa hè tươi vui?

Từ trăn trở đó, hè 2014 nhà trường đã tổ chức các lớp dạy kỹ năng như: nấu ăn, võ thuật, đọc sách, chiếu phim, bóng đá, bơi lội. Thời điểm bắt đầu hoạt động khoảng trung tuần tháng 6.

Địa phương trường tọa lạc không có hồ bơi, hồ bơi gần nhất cách trường khoảng 3km. Trường liên hệ với chủ hồ bơi để thống nhất giá cả, sắp xếp lịch học, cân đối kinh phí và huy động sự đóng góp của phụ huynh. Phụ huynh sẵn sàng cho con đi học thêm các môn văn hóa trong hè nhưng nghe cho con đi học bơi là chần chừ. Nhà trường thuyết phục phụ huynh với kế hoạch cụ thể, nhất là vấn đề an toàn tại hồ bơi. Học phí thu được vừa đủ cho học sinh vào bơi, thuê sân bóng đá và bồi dưỡng giáo viên dạy, hướng dẫn.

Giáo viên hướng dẫn học sinh học bơi là một trở ngại. Biết bơi nhưng dạy bơi cho học sinh thì không phải ai cũng dạy được. Giáo viên thể dục của trường cũng không có ai tốt nghiệp từ khoa bơi lội. Vì vậy, trường hướng dẫn họ tìm kiếm tài liệu, soạn giáo án thích hợp để dạy bơi và trang bị kiến thức bơi lội cho học sinh.

Kế hoạch dạy các lớp kỹ năng được xây dựng hoàn chỉnh trong tháng 4 hằng năm để giáo viên chủ nhiệm có thời gian trao đổi với học sinh lớp mình phụ trách và với toàn thể phụ huynh của lớp tại kỳ họp tổng kết năm học.

Sự phối hợp của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm quyết định thành công của sinh hoạt hè nói chung và việc học bơi nói riêng. Khi giáo viên hiểu - tin - đồng thuận, họ sẽ nói khéo với phụ huynh, với học sinh và tự nguyện tham gia bởi hè là khoảng thời gian giáo viên được nghỉ theo quy định.

Học sinh hào hứng tham gia học bơi, chỉ sau mấy tuần các em đã bơi được. Yêu thích môn bơi lội được khơi dậy, vào năm học tuy nhà trường không tiếp tục nhưng các em vẫn đến hồ bơi để vui chơi, rèn luyện thể lực. Không chỉ biết bơi mà các em còn tự tin, ngoan hơn, chất lượng dạy học cũng được nâng lên.

Thực tiễn cho thấy bằng cách thức tổ chức khoa học và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thì việc trường tổ chức học bơi là không mấy khó khăn.

Hè 2016 sắp đến, thời điểm các nhà trường cần xây dựng kế hoạch sinh hoạt hè, trong đó có nội dung dạy bơi cho học sinh - việc làm thiết thực để không còn câu chuyện quá sức đau lòng: trẻ chết vì đuối nước!

Tăng cường kỹ năng sống

Chín cái chết tức tưởi của các em học sinh ở Quảng Ngãi đã đặt ra câu hỏi lớn về việc trang bị kỹ năng sống cho các em. Trong số những kỹ năng sống cần thiết ấy có kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước, kỹ năng phát hiện mối hiểm nguy và kỹ năng thương lượng, từ chối.

Nếu biết bơi, biết đâu các em ấy đã biết tự cứu mình và đảm bảo sự an toàn cho chính mình giữa dòng nước. Nếu biết phân tích tình hình, các em đã biết chỗ nước nông - sâu, nên - không nên tắm. Nếu biết thương lượng, bàn bạc, các em đã có thể kéo bạn thoát khỏi những ham muốn kèm rủi ro khi tắm sông. Và thảm cảnh đã có thể không xảy ra.

Trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay luôn được đẩy lên “vai” của nhà trường. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép và tích hợp qua các bài học, qua việc xử lý các tình huống thiết thực và sự tư vấn, tham vấn trực tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện chúng ta vẫn nhận ra khá nhiều sự bất cập từ nhiều phía.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện vẫn còn nặng nên giáo viên lên lớp ít khi có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp còn mang tính hình thức, đối phó, qua loa, chạy theo phong trào. Quan điểm giáo dục kỹ năng sống bằng sự trải nghiệm hầu như chưa được chú trọng đúng mức vì nhiều khó khăn về sự an toàn, kinh phí...

Thiết nghĩ, tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì ai cũng nhận thức được. Vần đề là cần thay đổi cách làm, cách nghĩ hiện nay để tổ chức thực hiện một cách triệt để, thiết thực, hiệu quả từ chính trong nhà trường. Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong sự tiến bộ của các em.

TRANG HIẾU

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên