25/01/2021 06:21 GMT+7

Kinh ngạc khi bệnh nhân nuốt gần 1kg đinh, muỗng, dao... mà bao tử vẫn 'bình yên'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - "Bệnh nhân chưa vợ con này lạ lùng là khi nuốt (đinh, muỗng, dao...) cảm thấy rất thích thú" - bác sĩ Mạnh, Bệnh viện Quân y 175, kinh ngạc. Chưa hết, các bác sĩ còn khá bất ngờ khi dạ dày người này vẫn "bình yên vô sự".

Kinh ngạc khi bệnh nhân nuốt gần 1kg đinh, muỗng, dao... mà bao tử vẫn bình yên - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau ca phẫu thuật lấy 1kg kim loại ra khỏi cơ thể - Ảnh: BVCC

Một nam thanh niên ăn 1kg kim loại gồm đinh, muỗng, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ... vừa được Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cứu sống làm không ít người cảm thấy kinh sợ. Điều gì đang xảy ra với người này?

Nuốt dao mổ như bước qua một vật cản

Sau nhiều ngày phẫu thuật, bệnh nhân giờ đây đã có thể đi vệ sinh, ăn cháo, đi lại bình thường. Thế nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh - khoa ngoại bụng, một trong những thành viên "giải quyết hậu quả" cho bệnh nhân này - vẫn còn khá sửng sốt: "Nhiều năm phẫu thuật tôi chưa gặp ca nào nuốt gần 1kg kim loại sắc nhọn như vậy".

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân này chia sẻ với bác sĩ Mạnh là chưa có vợ con, hiện là một điều dưỡng tại một bệnh viện ở Bình Dương. Khoảng hai năm nay, anh rơi vào trạng thái trầm cảm, sống thu mình, rất ngại giao tiếp với người khác. Và khoảng ba tháng nay tình trạng ấy càng trầm trọng khi thường cảm thấy buồn bực trong người, kể từ đó anh có ý định "thử thách các cảm giác lạ", mang lại "sự hưng phấn" manh nha.

"Đầu tiên cậu ấy thử nuốt bấm móng tay, những ngày sau cậu thử nuốt các loại móc sắt và những ngày sau nữa cường độ khó tăng dần, có ngày nuốt đến vài vật như đinh dài 10cm, dao mổ sắc nhọn. Điều lạ lùng là khi nuốt được cậu ấy nói cảm thấy rất thích thú, người hưng phấn giống như vừa nhảy qua được một vật cản nào đó", bác sĩ Mạnh kinh ngạc nói.

Với cường độ "ăn" kim loại như thế cho đến khoảng một tháng nay, nam bệnh nhân bắt đầu đau bụng, biểu hiện ngày một nặng dần. Cơ thể bắt đầu xuống cân, kèm theo mệt mỏi nên gia đình đưa vào bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện Quân y 175 kết quả chụp X-quang xác định có một khối dị vật lớn nằm ở phía trái ổ bụng.

Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên êkip phải mổ mở và chụp C-ARM (X-quang trong mổ) để tránh sót dị vật. Sau hai giờ các dị vật đã được lấy ra. Tất cả các dụng cụ như đinh, muỗng, bấm móng tay, lưỡi dao mổ, thỏi sắt, móc đồ... mà bệnh nhân thừa nhận đã "ăn" đều được êkip bác sĩ Mạnh mổ lấy ra trong sự kinh ngạc. Các dụng cụ này nằm trong dạ dày lâu ngày bị hoen gỉ, ăn mòn một phần và có tổng trọng lượng gần 1kg kim loại.

Chưa hết, các bác sĩ còn khá bất ngờ khi dạ dày người này vẫn "bình yên vô sự", dù chứa một lượng lớn kim loại sắc nhọn. Điều này vô cùng khó lý giải bởi thông thường một người chỉ nuốt nhầm một que tăm đã bị thủng dạ dày. "Dạ dày của người này siêu dày, khá bất thường", bác sĩ Mạnh nói và cho rằng đó có thể là lý do giúp người này chứa được khối lượng kim loại lớn như thế.

Kinh ngạc khi bệnh nhân nuốt gần 1kg đinh, muỗng, dao... mà bao tử vẫn bình yên - Ảnh 2.

Đinh, muỗng, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ... là các dị vật bệnh nhân nuốt vì cảm thấy thích thú - Ảnh: BVCC

Triệu chứng kỳ dị

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho rằng hiện tượng này rất hiếm, trên thế giới chỉ có một vài trường hợp được báo cáo. "Theo tôi, đây là một trạng thái rối loạn tâm thần khiến người bệnh thích ăn "vật lạ". Đặc biệt các vật càng sắc, nhọn và khó nuốt họ càng thích thú. Thông thường hay gặp ở độ tuổi vị thành niên, có tâm lý không ổn định hoặc gặp trắc trở trong cuộc sống, căng thẳng tác động", bác sĩ Mạnh nhận định.

Khi nhắc đến hiện tượng này, nhiều người thiên về nhận định rằng bệnh nhân bị hội chứng pica (một hội chứng đặc trưng bởi sự thèm ăn, hay còn gọi là ăn bậy đối với các chất không chứa nhiều chất dinh dưỡng, chẳng hạn như kem đánh răng, tóc, giấy, thạch cao, kim loại, đá hoặc đất...). 

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thọ - nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương II, nguyên phó viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương - cho rằng trường hợp bệnh nhân đã 27 tuổi mà ăn cả ký sắt như vậy là rối loạn của bệnh tâm thần phân liệt. Hiện tượng này ông đã gặp nhiều khi còn công tác tại bệnh viện tâm thần.

"Bệnh nhân tâm thần phân liệt có những triệu chứng kỳ dị mà ta không thể tưởng tượng nổi. Tôi đã gặp bệnh nhân nuốt được cả cái trục ở bánh xe đạp (cái trục to và dài hơn 10 phân), có bệnh nhân nuốt ba cái muỗng ăn phở chập vào nhau, sau đó muỗng từ từ đâm ra ngoài thành bụng, tạo thành ổ mủ như cái mụn mà tuyệt nhiên khi y tá rút ra không hề bị viêm phúc mạc, thành bụng gì cả. Rồi còn có bệnh nhân lấy cái đinh 10 phân, tự dùng búa gõ đinh lún sâu vào đỉnh đầu mà may sao không chết...", PGS Nguyễn Thọ nói.

Với kinh nghiệm suốt 30 năm trong nghề, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - khẳng định ông chưa từng gặp trường hợp bệnh nhân nào "ăn bậy" các vật kim loại như trường hợp nêu trên. "Tôi chỉ gặp hiện tượng uống nước vô độ trên chục ca bệnh tâm thần phân liệt điều trị lâu năm trong bệnh viện. Họ uống nước không kiểm soát, có người uống đến 10 lít nước hoặc uống tới độ ói ra uống tiếp nếu không được can thiệp kịp thời", bác sĩ Hiển chia sẻ.

Hội chứng pica nguy hiểm ra sao?

PGS Nguyễn Thọ cho biết hội chứng pica (chứng ăn vật bẩn, ăn chất không ăn được) là biểu hiện kiểu ăn những chất không dinh dưỡng, kéo dài ít nhất một tháng. Pica thường gặp phổ biến ở trẻ em và vị thành niên chậm phát triển tâm thần.

Tuổi khởi phát của pica thường là giữa 12 đến 24 tháng, và tỉ lệ giảm đi theo tuổi. Việc ăn các chất không ăn được (sơn, vữa, thạch cao, tóc, vải) lặp đi lặp lại sau 18 tháng tuổi thường được xem là bất bình thường. Các chất riêng biệt được ăn thay đổi theo sự dễ tiếp cận của trẻ và tăng lên khi trẻ tăng khả năng làm chủ về vận động của mình. Ở trẻ lớn tuổi thường ăn đất, ăn phân động vật, ăn đá và ăn giấy; còn người lớn, một số thể của pica bao gồm chứng ăn đất, ăn tinh bột được trình bày xảy ra ở phụ nữ mang thai.

Về lâm sàng hội chứng này thể lành tính hoặc đe dọa đến sự sống, tùy thuộc vào những vật trẻ ăn. Ở trẻ em, pica thường khỏi cùng khi tuổi tăng lên, tương tự phụ nữ mang thai giới hạn trong thời gian mang thai. Tuy nhiên ở người lớn, đặc biệt những người chậm phát triển tâm thần, pica không khỏi tiếp tục trong nhiều năm.

Xuất hiện dịch bệnh lạ ở nơi có hàng ngàn người Việt sinh sống Xuất hiện dịch bệnh lạ ở nơi có hàng ngàn người Việt sinh sống

TTO - Các bệnh nhân có cùng triệu chứng sốt bất thường, đau họng, nổi mẩn da, đau khớp, trong đó có một số người bệnh bị co giật. Các bác sĩ nghi họ bị bệnh lây qua muỗi chích.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên