Phóng to |
Hai bên bờ tuyến kênh Xáng (huyện Tân Châu, An Giang) có nhiều đoạn lở lói với những hàng cây trơ cả gốc rễ, những căn nhà cheo leo "thò chân" ra ngoài mép nước. Đó đây còn thấy dấu vết nhiều căn nhà, cơ sở sản xuất đã đổ sụp xuống lòng kênh.
Chạy như... ăn cướp
Chỉ căn nhà vừa bị lở đất làm đứt mất hết một nửa, ông Năm Chia- ấp Tân Hòa B, xã Tân An - than: "Phía sau nó là nhà kho. Nhưng giờ nhà kho không còn mà căn nhà nằm phía trước cũng tiêu. Trước kia đâu có lở dữ vậy. Hai năm nay đất cứ lở hoài!".
Ở nhiều đoạn người dân phải đóng kè bằng thân tràm, che bằng những tấm nilông và thả lục bình, thả nhánh cây như thả chà dọc bờ kênh để chắn sóng. Đang gia cố lại đoạn bờ kênh đã ăn sát vào vách nhà mình, ông Nguyễn Văn Tiếp - ấp Long Thành, xã Long An - bảo: "Nước chảy cộng thêm sóng lớn từ những chiếc tàu cao tốc cứ tra tấn hoài thì đất nào chịu nổi". Chưa nói dứt câu chợt nghe tiếng động cơ ì ì vọng lại. Một tàu cao tốc phóng ào qua kéo theo những lượn sóng lưng trâu. Sóng chưa dứt thì lần lượt mấy chiếc tàu nữa vù tới. Cứ thế, những lượn sóng liên tục tống đạp vào bờ. Những vạt đất bị sóng kéo ào xuống nước.
Phóng to |
Chúng tôi xuống mấy bè nuôi cá trên dòng kênh. Lại nghe tiếng ầm ì vọng lại. Lần này là một tàu cánh ngầm phóng nhanh hơn, tung sóng còn dữ dội hơn. Những chiếc bè được neo chằng kiên cố luôn bất động trước dòng nước lũ thế mà sóng làm cho nó lắc lư, chao đảo liên tục.
Ngồi trên bè người cũng lắc lư như đưa võng, nghe rõ thân gỗ chuyển mình răng rắc. Nhìn ra, ghe xuồng đều vội tấp vào bờ, mấy chiếc ghe neo đậu ven bờ chồm lên như con ngựa bất kham, có chiếc đứt cả dây neo. "Chạy gì như ăn cướp!", nhiều chủ phương tiện nhìn theo ngao ngán.
Hằng ngày đều đặn hai lượt tàu chạy sáng chiều, mỗi lượt 6-8 chiếc. "Lượt về buổi chiều nước chảy xuôi mà mấy tàu này còn đua với nhau", anh Lâm Thiện Hùng, một chủ bè ở Tân An, kể. Gần đây lại xuất hiện thêm chiếc tàu cánh ngầm thường phóng bạt mạng, sóng càng kinh khủng hơn. "Sóng lớn làm bè hư hỏng phải sửa chữa liên tục. Nhiều khi đánh văng mất ván, hay được thì cá đã đi hết. Nguy hiểm hơn là làm mất phao, không phát hiện kịp bè sẽ chìm" - ông Sáu Bo, làng bè Long An, than thở. Các hộ nuôi bè trên tuyến kênh Xáng đều gặp tình cảnh tương tự.
Xuồng, ghe... bị nhấn chìm
Nhiều người dân cho biết sóng tàu từng nhấn chìm xuồng câu, ghe chở lúa của họ. Trên tuyến kênh Xáng có hơn chục bến đò ngang, khi qua khu vực bến đò nó vẫn cứ phóng như bay, không hề hú còi. "Lắm khi đò chở đầy khách vừa quay ra thì nó lù lù tới. Hú hồn!", chủ bến đò Cây Me kể, giọng thảng thốt. Tại ngã ba kênh Xáng - sông Hậu thuộc xã Châu Phong, do bị che khuất tầm nhìn nên ghe tàu qua đây đều giảm tốc, còn tàu cao tốc cứ... vô tư!
Nhiều nhà cửa, cơ sở sản xuất bị mất Người dân cho rằng từ khi có nhiều tàu cao tốc hoạt động thì tình trạng lở đất dọc tuyến kênh Xáng ngày càng nghiêm trọng và xảy ra liên tục cả trong mùa lũ lẫn mùa khô. "Ngoài việc ảnh hưởng đến nuôi cá, nguy cơ gây tai nạn thì thực tế cho thấy sạt lở đang gia tăng mạnh và đã làm mất nhiều nhà dân, cơ sở sản xuất không chỉ trên địa bàn xã” - ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch xã Tân An, nói. |
Số tàu cao tốc và tàu cánh ngầm trên là của năm công ty du lịch đưa du khách sang Campuchia, gồm một công ty trong tỉnh, một ở Cần Thơ và ba ở TP.HCM; trong đó có đơn vị chưa được cấp phép. Người dân nhiều lần phản ảnh hoạt động của tàu cao tốc đã gây nên tình trạng xói lở đất, ảnh hưởng đến việc nuôi cá bè và có nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Vào tháng 12-2006, UBND huyện Tân Châu tổ chức cuộc họp với sự tham gia của một số ban ngành, đơn vị liên quan và đi đến thống nhất một số giải pháp khắc phục. Cụ thể Đoạn quản lý đường sông số 15 sẽ nhanh chóng lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm...
Thế nhưng mãi đến nay hai đầu kênh Xáng vẫn chưa đặt biển báo. Tàu cao tốc hằng ngày vẫn tiếp tục hoạt động và phóng với vận tốc cao. Trao đổi với chúng tôi, trung úy Hồ Minh Tiền - trạm cảnh sát giao thông đường thủy Công an An Giang đóng tại đây - nhìn nhận trong khi luồng lạch hẹp, có nhiều phương tiện thủy lưu thông thì việc các tàu cao tốc chạy tốc độ cao hoàn toàn có khả năng gây ra tai nạn.
"Tuy nhiên, do chưa có biển báo hạn chế tốc độ, hạn chế tạo sóng nên không thể kiểm tra xử lý”, ông nói. Còn theo ông Hồ Ngọc Điệp, trưởng trạm quản lý đường sông Tân Châu, trạm đã báo cáo với Đoạn quản lý đường sông số 15, việc đặt biển báo phải qua giai đoạn khảo sát, chọn vị trí phù hợp, dự trù kinh phí. Nói chung là phải chờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận