Nhìn khung cảnh tan hoang và hình ảnh đầu đạn vương vãi khắp nơi sau vụ nổ tại Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), ai cũng nghĩ đó là hiện trường một cuộc đấu súng kinh hoàng. Không ai ngờ đó chỉ là vụ nổ của một kho phế liệu.
Nhưng đây là loại "phế liệu" chết người. Cơ quan chức năng thu gom được khoảng nửa tấn đầu đạn sau vụ nổ. Và đó cũng chỉ là con số rất nhỏ vì chủ kho phế liệu gây nổ khai nhận đã mua về 7 tấn đầu đạn cũ loại 12,7 li và 14,5 li để tháo dỡ lấy phế liệu.
Nguồn gốc của số đầu đạn này đang được làm rõ, nhưng sự tồn tại của một lượng đầu đạn khổng lồ, nguy hiểm ngay trong khu dân cư mà chính quyền sở tại không hay biết là một điều không thể tin được.
Nói đến nghề kinh doanh phế liệu, đặc biệt là vũ khí, vật liệu nổ, Quan Độ nổi tiếng cả nước. Hơn 10 năm trước, khi phóng viên Tuổi Trẻ về Quan Độ, chủ tịch xã Văn Môn đã "tự hào" nói rằng "mổ" xác máy bay chỉ là chuyện nhỏ đối với Quan Độ, vì làng còn "mổ" cả tên lửa, thiết giáp, chiến hạm.
Ông chủ tịch xã nói không ngoa bởi trong làng khi đó có những ông chủ chuyên mua khí tài quân sự cũ về "mổ" bán phế liệu.
Có vẻ việc một số người phất lên từ kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro với chính mạng sống của mình để gắn bó với nghề.
Làng Quan Độ có hơn 100 hộ kinh doanh phế liệu, tính cả xã Văn Môn thì có tới 500 hộ sống với nghề này. Vũ khí, vật liệu nổ từ lâu đã trở thành món hàng quen thuộc của các chủ kinh doanh phế liệu ở Quan Độ.
Nên chỉ có thể nói chính quyền địa phương làm ngơ chứ không thể không biết.
Theo thống kê, trong số các vụ tai nạn do bom đạn, số vụ thương vong, thiệt mạng do cưa bom đạn lấy phế liệu chiếm tới 30%. Rất nhiều vụ thương tâm đã xảy ra như vụ 6 người chết do cưa đầu đạn pháo 105mm tại Khánh Hòa hồi tháng 6-2017, vụ 4 người chết do dùng đèn khò cắt bom tại Hà Nội năm 2016...
Những kho chứa vật liệu nổ nằm ngay trong khu dân cư. Hoạt động cưa bom, tháo dỡ vũ khí diễn ra ngay trên hè phố, đường làng. Vì thế, mỗi vụ nổ xảy ra, số tử vong không chỉ là những người trực tiếp kinh doanh, tháo dỡ vật liệu nổ mà có rất nhiều người vô tội đã oan uổng thiệt mạng hoặc tàn tật cả đời.
Nghị định của Chính phủ quy định rất rõ trình tự thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ. Nếu số đầu đạn ở Quan Độ nói trên thuộc diện thanh lý, tiêu hủy mà lại được bán cho một chủ kinh doanh phế liệu thì thực sự đó là điều hết sức nguy hiểm.
Những người liên quan có thể "điếc không sợ súng", nhưng không ai được bất chấp tất cả để kinh doanh trên tính mạng cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận