Phần mì xào bò 200.000 đồng/suất của du khách khi mua tại nhà hàng Ngọc Phú - Ảnh từ bài viết nhân vật
Như đã thông tin, ngày 16-6, tài khoản Lưu Phương Linh đăng tải lên mạng xã hội với nội dung tố nhà hàng trên "chặt chém" vì 3 suất mì xào bò có giá 600.000 đồng (200.000 đồng/suất) kèm theo hình ảnh minh họa.
Trả lời về chuyện này, ông Ngọc Thành - chủ nhà hàng hải sản Ngọc Phú - cho biết quán của ông có niêm yết giá cả đàng hoàng, khách thấy vừa lòng thì ăn thôi.
Xung quanh việc bị tố trên mạng, ông Ngọc Thành phân trần: "Quán bán chủ yếu là hải sản nên luôn cố gắng phục vụ hết mình. Hiện nay, vật giá leo thang nên nhà hàng cũng tăng giá lên. Cụ thể ngày xưa một bình gas có 1 triệu đồng mà nay lên đến 1,5 - 1,6 triệu đồng, nhân viên ngày xưa thì trả 3,5 triệu đồng/tháng giờ lên 4,5 - 5 triệu đồng họ mới làm. Dầu ăn, các nguyên liệu khác cũng tăng nên kéo theo giá món ăn tăng hơn trước. Trước đây giá mì xào tại nhà hàng khoảng 150.000 - 160.000 đồng/suất".
Cứ tái diễn kiểu "chặt chém" như thế này hoài thì Nha Trang sẽ mất điểm nặng nề khi mùa hè đón khách du lịch đến. Phải có giải pháp mạnh mẽ, lấy lại hình ảnh thành phố đáng đến.
Trần Tùng Anh
Ngay sau đó, trong phần bình luận dưới bài viết, câu chuyện có hay không việc "chặt chém" khách hàng hay vật giá leo thang khiến giá ăn uống cũng tăng theo đã nhận được "bão" ý kiến của bạn đọc.
Bạn đọc Trịnh Nhật Quang viết: "Giá cả leo thang đúng, nhưng dĩa mì 200.000 là quá cao, ông chủ này ngụy biện thôi...".
Cùng quan điểm không thể lấy cớ vật giá leo thang rồi muốn nâng giá bao nhiêu thì nâng, bạn đọc Thiên Lý viết: "Nếu đúng như hình đăng kèm theo thì đó là "chặt chém" đúng nghĩa. Ở TP.HCM tôi ở, một phần như vậy cao lắm là 60.000 đồng".
Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Phương bổ sung: "Khiếp, phần mì như hình mà 200.000 đồng. Cho dù có niêm yết giá thì vẫn chặt chém du khách, vì du khách phần đông không có sự lựa chọn khác. Ở Vũng Tàu dĩa mì xào hải sản có khá nhiều tôm mực chỉ 120.000 - 150.000 đồng".
Trong khi đó, bạn đọc Thang Canh mỉa: "Chặt theo thời kỳ: Ngày trước chặt giá... xưa rùi; Chặt đến khối lượng... cũng xưa; Bây giờ chặt chất lượng của món ăn... vì có niêm yết đó nhưng ai biết chất lượng nó ra sao, lấy cái gì đo chất lượng khi đã niêm yết giá?".
Rất quyết liệt, bạn đọc Nguyễn Sơn kết luận: "Tôi có thể chấp nhận ở mức 100.000 đồng cho một suất mì như vậy nếu nhà hàng đó sang trọng và đẹp đẽ. Còn 200.000 đồng thì có giải thích mấy thì cũng là chặt chém. Quảng bá để giải cứu du lịch thế này thì chết".
Bên cạnh những ý kiến phản đối quyết liệt, cũng có một vài ý kiến bào chữa. Bạn đọc Long Hải viết: "Thuận mua vừa bán. Người bán đã niêm yết giá rồi, nếu thấy mắc quá thì sang nơi khác mua, chứ sao tự nguyện mua, rồi nói họ "chém"?".
Thật ra, đối với những địa điểm du lịch giá cả có cao hơn đôi chút so với những nơi khác là chuyện bình thường, nhưng nói như bạn đọc Tam Tran trong thời buổi @ này nhất cử nhất động đều cũng có thể phổ biến cho mọi người cùng biết, thì việc một số nhà hàng thẳng tay "chặt chém" du khách quá đáng là... tự sát!
Việc "chặt chém" du khách nhìn rộng ra, không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân nhà hàng đó, mà còn xấu mặt địa phương.
Vì thế, bạn đọc Thiên Lý góp ý: "Đề nghị ban quản lý ở đây thường xuyên kiểm tra để khỏi làm mất lòng tin của dân chúng và để du khách khỏi bỏ sang địa điểm du lịch khác".
Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?
Mọi phản ánh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận