22/01/2018 18:00 GMT+7

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng

THẾ TRUNG
THẾ TRUNG

Đưa ra lời đề nghị 5 triệu USD và 2 tỉ đồng, cuối cùng thì “cá mập kén mồi” nhất chương trình - Phạm Thanh Hưng cũng có phi vụ đầu tư riêng trong tập 11.

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng - Ảnh 1.

Sau dự án gọi vốn "khủng", chàng trai dị ứng lactose Phạm Duy Sơn mang đến những chai sữa bắp, sữa sen làm quà gặp gỡ với "cá mập". Sơn đến từ Công ty TNHH thực phẩm thực vật Quốc tế LAB - Ogami.

Anh khiêm tốn gọi 2 tỉ đồng cho 15% cổ phần công ty với tham vọng phủ 800 điểm bán cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM trong năm nay.

Đến năm 2020, công ty sẽ hợp tác với các siêu thị để giao các loại thực phẩm khác tại nhà cho chị em nội trợ.

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng - Ảnh 2.

Sau 5 tháng kinh doanh, thương hiệu Ogami thu được được 200 triệu đồng, tương đương 70% doanh thu hòa vốn, độ duy trì đơn hàng khoảng 90%.

Điểm mạnh mà startup tự nhận là có sản phẩm chất lượng tươi sạch không hóa chất, vị ngọt vừa phải đúng gu thị trường, giao hàng nhanh và đầy đủ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, Sơn đã đổ 1,2 tỉ đồng vào dự án. Định hướng của anh là sản xuất theo mô hình môđun theo công nghệ thanh trùng để phân phối cho từng địa bàn, nhằm đảm bảo độ tươi ngon và không dùng chất bảo quản. Một môđun theo tính toán của anh tốn khoảng 300 triệu đồng chi phí.

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, "shark" Phú và "shark" Thủy không đánh giá cao mô hình vì quá dễ bị bắt chước hay các ông lớn ngành sữa nhảy vào chèn ép khi thấy có tiềm năng. Vì vậy cả hai cùng lên tiếng từ chối đầu tư.

Tương tự, "shark" Vương cũng nói không do thấy giá sản phẩm 13.000 đồng mỗi chai sữa không có triển vọng cạnh tranh. Riêng "shark" Linh không mấy yêu thích hương vị của sản phẩm nên cũng từ chối rót tiền.

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng - Ảnh 4.

Và một lần nữa, "cá mập" duy nhất mở cánh cửa cơ hội cho startup lại chính là phó chủ tịch CENLAND. "Shark" Hưng thú nhận ông cũng dị ứng lactose nên ít nhiều chuộng sữa thực vật.

Tuy nhiên, vấn đề chính yếu theo quan điểm của ông là không nên sợ cạnh tranh khi công ty là người tiên phong, xây thương hiệu và chiếm thị trường trước. Chính vì thế, "shark" Hưng chấp nhận xuống tiền 2 tỉ đồng với điều kiện đổi lấy 36% cổ phần.

Phó chủ tịch CENLAND chia sẻ: "Anh thực sự nhìn thấy tiềm năng và hướng đi của thị trường. Anh đầu tư ở đây là cho con người, sự nhiệt huyết của em, anh cần một người triển khai, thực hiện vấn đề đó".

Kinh doanh sữa bắp gọi vốn được 2 tỉ đồng - Ảnh 5.

Duy Sơn cho biết số tiền kêu gọi với anh không là vấn đề. Quan trọng hơn chính là anh tìm được một đối tác giàu kinh nghiệm kinh doanh để cùng làm ăn. Đó là lý do anh gật đầu đồng ý.

Trải qua 11 tập phát sóng, đã có 33 thương vụ được tiếp cận các "cá mập" và khoảng một nửa trong số đó gọi vốn thành công. Mỗi lần gặp gỡ không chỉ mang đến một cơ hội quý báu cho những nhà khởi nghiệp mà còn là kinh nghiệm làm ăn thực tiễn và sinh động cho vô số startup trẻ cũng như bạn xem đài trên mọi miền đất nước.

Riêng về "cá mập" Phạm Thanh Hưng, 2 tỉ đồng chắc chắn chỉ mới là con số mở màn nhẹ nhàng cho hàng loạt phi vụ đầu tư sẽ đến trong những tập tiếp theo phát sóng lúc 11h10 thứ bảy hàng tuần trên VTV3.

Thông tin thêm truy cập:

Fanfage: www.facebook.com/SharkTankVietNam

Website: www.sharktankvietnam.com.vn

Shark Hưng và lời đề nghị 5 triệu USD - Tập 11 Shark Tank VIiệt Nam - Thương vụ bạc tỷ | VTV3


THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên