Phóng to |
Có ai nghĩ đến sự thống khổ của người bệnh?
Đọc bài báo tôi cảm thấy lòng mình thắt lại, đau xót, dù đây không phải là lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ điều tra và “khui” ra những vụ việc tệ hại, đáng phẫn nộ trong ngành y tế. Không khó để nhận ra “bóng ma” hoa hồng từ những toa thuốc đắt tiền, không cần thiết và cực kỳ vô lý (ví dụ thuốc Celecoxib rất đắt tiền, dùng điều trị các bệnh xương khớp lại được chỉ định điều trị trong chấn thương sọ não, thuốc Lepatis chỉ định cho bệnh gan cũng được kê không đúng) mà chính bác sĩ Mẫn - trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy - đã phải thừa nhận.
Mỗi tháng, “bệnh viện vệ tinh” phải “thối lại” cho Chợ Rẫy 15% trên tổng số tiền thu được từ số bệnh nhân chuyển sang. “Thối lại”, cách nói này đã thể hiện rất rõ: người bệnh chỉ là đối tượng để khai thác kinh doanh kiếm siêu lợi nhuận, chứ chẳng phải là đối tượng phục vụ.
Một khi những “con sâu” trong ngành y vẫn còn điềm nhiên “thối qua thối lại”, sự mục ruỗng còn chưa bị bứng tận gốc thì nỗi thống khổ của người bệnh sao có thể vơi đi được. Và những người thầy thuốc chân chính đọc bài báo trên hẳn phải rất đau lòng, sao có thể an tâm và tự hào với nghề nghiệp cao quý trị bệnh cứu người đầy nhân bản.
Những câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM
Xin hỏi Sở Y tế TP.HCM: Bệnh viện vệ tinh là gì? Sở có đồng ý loại hoạt động này không? Nếu có thì quy định pháp lý nào? Điều kiện hoạt động? Trở lại nội dung bài báo, bản chất của việc chuyển viện của Bệnh viện Chợ Rẫy đến các bệnh viện vệ tinh là gì? Có phải vì 15% thu được từ bệnh viện vệ tinh hay còn gì nữa? Tại sao Chợ Rẫy không chuyển bệnh nhân đã ổn định về bệnh viện tuyến dưới (theo phân tuyến đối với từng bệnh nhân)?
Biến tướng dịch vụ công
Con số 15% doanh thu dịch vụ trả lại cho Bệnh viện Chợ Rẫy đủ nói lên tất cả. Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện quy trình biến tướng của dịch vụ công (không vì mục đích lợi nhuận riêng) thành dịch vụ y tế tư (dịch vụ hoạt động vì lợi nhuận). 15% chính là giá trị quy đổi khi biến khách hàng của mình từ khách hàng của dịch vụ công thành khách hàng của dịch vụ tư. Người bệnh hoàn toàn không biết việc hoán chuyển vai trò (bán khách hàng) của phương thức hoạt động này. Trung tâm vệ tinh 1A chẳng qua là đơn vị kinh doanh dịch vụ và họ sẽ hạch toán 15% này trong chi phí hoạt động.
Sao lại cho thuốc tùy tình hình kinh tế bệnh nhân
Bác sĩ Mẫn, trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, còn nói “cho thuốc tùy tình hình kinh tế của bệnh nhân”. Tôi chưa thấy có trường y nào dạy sinh viên như thế cả. Chữa bệnh thì thầy thuốc phải dựa vào tình trạng cụ thể của người bệnh chứ không phải tùy vào tình hình kinh tế của họ được. Và tốt nhất là đúng thuốc và giá rẻ. Nếu đúng như những gì bài báo viết thì phải xem lại và chấn chỉnh ngay cách làm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận