TTCT - Sau khi COVID-19 tạm thời được kiểm soát, các doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với trật tự mới hậu đại dịch? Công nhân sơ chế cá diêu hồng tại Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), Q.Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Quang Định Đại dịch bất ngờ kéo đến khiến giới doanh nghiệp không kịp trở tay. Khá nhiều đã phải tạm đóng cửa, ngủ đông chờ thời. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư đẩy mạnh kế hoạch kinh doanh và mở rộng thị phần, thậm chí tận dụng cơ hội hiếm có để thâu tóm các tài sản với giá rẻ ở Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp, không làm gì có thể là lựa chọn không tồi vào thời điểm này. Tuy COVID-19 đã được kiểm soát trong nước, diễn biến ở Mỹ và châu Âu - những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam - vẫn còn phức tạp. Viễn cảnh thị trường chưa rõ ràng đó đi kèm nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho kinh doanh. Nhưng ngồi yên chưa chắc là phương án tối ưu. Bởi trong khi khá nhiều doanh nghiệp trong nước có tâm lý “nghỉ ngơi” thì ở đâu đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn âm thầm xúc tiến các thương vụ quy mô lớn với ý định “đánh chiếm” bất ngờ ngay giữa mùa dịch. Đơn cử như mới đây, Tập đoàn Siam Cement Group của Thái Lan hợp lực cùng Rengo (Nhật Bản) để thâu tóm Công ty Bao bì Biên Hòa trong một thương vụ không được tiết lộ giá trị. Tiếp đến, Hãng Stark Corporation PCL (Thái Lan) chi ra số tiền kỷ lục 240 triệu đôla để mua lại cùng lúc hai doanh nghiệp là Công ty cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần kim loại màu và nhựa Đồng Việt, khi nhìn thấy cơ hội lớn trong nhu cầu phát triển hạ tầng và xây dựng đang tăng nhanh. Hãng bán lẻ Central Group (cũng Thái Lan) thì cho biết sẽ rót thêm 500 triệu đôla để mở rộng chuỗi bán lẻ ở Việt Nam, đưa thị trường gần 100 triệu dân này trở thành động lực quan trọng với tỉ trọng đóng góp 25% vào tổng doanh thu của họ trong vòng 5 năm tới. Trên thị trường bất động sản, báo cáo của Hãng Savills cho thấy thời gian gần đây, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn. “Từ năm 2019 đến nay, đã có một số dự án tập trung tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị hơn 500 triệu đôla. Dự kiến quý 3 và 4 sẽ có một số giao dịch diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và một số nước châu Âu” - tiến sĩ Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, nhận định. Như thế, ngay trong bối cảnh đại dịch, vẫn có những tay chơi lặng lẽ triển khai các kế hoạch mới, âm thầm bài binh bố trận để chủ động giành lấy và mở rộng thị phần. Nhưng “trong nguy vẫn có cơ” nếu các doanh nghiệp đào sâu tìm hiểu thay đổi của thị trường hậu đại dịch. Theo nhận định của một doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ, cơ hội cho mặt hàng mây tre đan của Việt Nam đang mở hơn bao giờ hết khi tính đến năm 2019, đã có 91 quốc gia ký ban hành lệnh cấm nilông để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân, điều chắc chắn sẽ càng được nhấn mạnh sau dịch bệnh. Hiện các sản phẩm mây tre đan Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch trung bình trên 200 triệu đôla/năm (chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước). Thực tiễn từ thế giới cũng cho thấy những doanh nghiệp chủ động trong khủng hoảng sẽ nắm phần thắng trong dài hạn. Nghiên cứu của Hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) với hàng trăm doanh nghiệp Mỹ đã tái cấu trúc chi phí giai đoạn 2010 - 2014 cho thấy những công ty nào thực hiện chiến lược “thay đổi chủ động” đã chứng tỏ hiệu quả về lâu dài hơn so với những công ty chỉ “thay đổi để phản ứng” . Đại dịch, do đó, không nên là cái cớ để việc kinh doanh, theo đuổi các ý tưởng mới và thực hiện cải cách bị ngưng trệ. Làm được như thế không chỉ chứng tỏ bản lĩnh khi khởi nghiệp của các doanh nhân, mà còn là san sẻ trách nhiệm xã hội với nhân viên và cộng đồng giữa muôn trùng gian khó.■ Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, đến cuối quý 2, đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động Việt Nam, bao gồm bị giảm giờ làm, giảm tiền lương, cuối cùng là mất việc. Người lao động ở các khu vực phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu các phương tiện đảm bảo thu nhập và không có khả năng dựa vào nguồn tiết kiệm. Đặc biệt, lực lượng lao động nữ chiếm số đông tại hầu hết các ngành nghề có thể chứng kiến làn sóng cắt giảm việc làm trên diện rộng. Tags: Kinh doanhHậu Covid-19Ngủ đông
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.