11/11/2016 10:53 GMT+7

Kinh doanh đường sắt cần tách thành hai loại

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), hầu hết các đại biểu cho rằng cần tách kinh doanh đường sắt thành kinh doanh hạ tầng và vận tải.

Các đại biểu đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 11-11 về dự án Luật đường sắt Ảnh: Đ.BÌNH
Các đại biểu đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 11-11 về dự án Luật đường sắt - Ảnh: Đ.BÌNH

Tại tổ thảo luận của đoàn Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô cho rằng cần tách hoạt động kinh doanh đường sắt thành 2 nhóm: kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt.

“Về góc độ quốc phòng, an ninh, tôi thấy việc tách ra thành 2 nhóm là cần thiết, trong đó nhà nước nên nắm quyền chi phối thông qua vốn trong doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng để đảm bảo sự chủ động khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là quản lý đầu mối kết nối với đường sắt liên vận quốc tế”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty vận tải Hà Nội), cho rằng ngành đường sắt của ta “quá lạc hậu và trì trệ”.

“Đường sắt Việt Nam với 130 năm hình thành, phát triển, hơn 3.100km từ thời Pháp đến nay hầu như không phát triển. Sự kết nối với sân bay, cảng biển với đường sắt hầu như không có. Khổ đường sắt ta vẫn đang lúng túng vì không rõ đầu tư thế nào vì hiện đường sắt 1m chạy đơn thì không thể tăng tốc được. Vì thế Luật cần làm rõ, cải tiến chứ không thể một mình ta làm một kiểu được”, ông Thường phát biểu. 

Và theo vị đại biểu ngành giao thông này, Luật đường sắt sửa đổi “cần làm rõ kinh doanh kết cấu hạ tầng với quản lý nhà nước và phải tách bạch ra, phải có mô hình kinh doanh, phải giao cho doanh nghiệp…”

Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh cho rằng giao thông, trong đó có đường sắt góp phần lớn vào thành công quân sự, vào thành công của phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng nhìn vào sự thật thì đường sắt đang tụt hậu, dù được đầu tư lớn, nhưng vẫn có tồn tại. Các nước khác họ đầu tư và phát triển giao thông, trong đó có đường sắt rất tốt.

Chính vì thế, ông Thường cũng như các đại biểu khác đều cho rằng Bộ GTVT cần giúp Chính phủ làm rõ nguyên nhân ngành đường sắt lại tụt hậu để báo cáo trước Quốc hội để sửa đổi bộ luật này.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên