Thân đập khoang số 2 - hồ chứa bùn đỏ alumin Nhân Cơ trong lần bị đứt gãy nghiêm trọng, sạt hàng trăm mét - Ảnh: TRUNG TÂN
Bộ Công thương cho biết hai dự án bôxit Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) đã có lãi 2 năm qua. Với khoảng 30.000 tỉ đồng đã đầu tư, cả hai dự án này cần thêm 5-7 năm để hòa vốn.
Giá cao, tăng tối đa công suất
Báo cáo tổng kết, đánh giá đầu tư thí điểm 2 dự án khai thác bôxit và sản xuất alumin Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) và Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) được Bộ Công thương gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây ghi nhận, từ khi đi vào sản xuất thương mại (tháng 10-2013) đến hết năm 2018, dự án bôxit Tân Rai đầu tư đã sản xuất được khoảng 3,03 triệu tấn alumin, trong đó TKV đã xuất khẩu, bán trong nước khoảng 2,97 triệu tấn alumin, thu về khoảng 21.837 tỉ đồng.
Trong 3 năm đầu đi vào hoạt động (2013 - 2016), bôxit Tân Rai liên tục thua lỗ nhưng đến năm 2017 dự án đã bắt đầu có lãi 379 tỉ đồng, tiếp đó năm 2018 lãi khoảng 1.790 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính chung 3 năm đầu vận hành dự án (đến cuối năm 2018), bôxit Tân Rai vẫn lỗ khoảng 1.325 tỉ đồng.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó tổng giám đốc TKV - cho hay dự án chuyển sang giai đoạn có lãi nhờ đạt được công suất thiết kế, giảm giá thành sản xuất từ 5,8 triệu xuống còn 4,5 triệu đồng/tấn alumin. Ông Tuấn cho rằng một trong những lý do khiến thua lỗ ở bôxit Tân Rai là phát sinh thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bôxit tăng từ 140.000 - 170.300 đồng/tấn quặng.
Với dự án bôxit Nhân Cơ, nhờ việc khai thác tối đa sản lượng bôxit, giá alumin trên thị trường thế giới tăng cao, trong năm 2017 dự án bôxit Nhân Cơ lãi 35 tỉ đồng, năm 2018 lãi khoảng 472 tỉ đồng.
TKV than khó với thuế, phí
Mỗi năm, đang có hàng triệu tấn alumin khai thác, chế biến từ hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ. Nhờ có nguồn thu lớn, TKV đã trả hết khoản vay 600 triệu USD từ Nhật Bản. Tuy nhiên, TKV cho rằng đang có một số bất cập trong chính sách thuế, phí nên doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo TKV, mức thu phí bảo vệ môi trường với quặng bôxit theo quy định từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn nhưng cả hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông đều thu phí tối đa 30.000 đồng/tấn là chưa có cơ sở thực tiễn bởi nguồn gây ô nhiễm bùn đỏ từ các dự án bôxit đã được doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng hồ chứa để xử lý (?). TKV đề nghị nghiên cứu điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường hai dự án...
Báo cáo vừa được Bộ Công thương gửi tới Chính phủ cũng đề cập việc áp giá tính thuế tài nguyên chưa phân biệt chủng loại sản phẩm quặng dẫn đến tính tiền cấp quyền khai thác mỏ đối với 2 dự án tăng đột biến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng áp thuế xuất khẩu alumin lên 5% sẽ khiến TKV gặp nhiều khó khăn, vì 5% doanh thu tương đương với số lãi trong khai thác bôxit hiện nay của TKV. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc TKV tăng khai thác bôxit, có lúc vượt cả công suất thiết kế để xuất khẩu, cần tính đến lợi ích nhà nước.
Đáng lưu ý, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng bôxit tinh tại dự án Nhân Cơ vì trữ lượng bôxit của Việt Nam lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn lại cho rằng TKV không ủng hộ phương án xuất quặng tinh vì giá trị gia tăng... rất thấp.
Tiềm ẩn sự cố môi trường
Với hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ, mới đây cả Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã đưa ra nhiều khuyến nghị.
Bộ TN-MT cho rằng hai dự án bôxit luôn tiềm ẩn những nguy cơ: bụi khí thải phát ra từ ống khói nhà máy, mùi khó chịu thoát ra từ khu vực khí hóa than; nguy cơ nước thải sản xuất nhiễm xút (kiềm) chảy ra môi trường xung quanh; nguy cơ vỡ đập hồ thải quặng, vỡ các khoang hồ bùn đỏ; và nguy cơ thẩm thấu kiềm xuống các tầng nước ngầm... cần được giám sát, có biện pháp phòng ngừa.
Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khi một số thiết bị công nghệ và hệ thống xử lý môi trường dự án bôxit Tân Rai đã bắt đầu hoen gỉ, xuống cấp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận