Những nhà hàng vắng vẻ tại Milan - Ảnh: PAGINA12
Theo hãng tin AFP, thành phố Milan, trung tâm của các hoạt động kinh tế, thời trang vô cùng sôi động của nước Ý, đã gần như "không thể làm gì" kể từ thứ hai tuần rồi (24-2).
Thật khó tin khi chỉ một tuần trước đó, dịch bệnh mới bắt đầu bùng lên tại nơi cách Milan khoảng 60km về phía nam, nhưng đến hôm nay 2-3, đã có 1.694 người nhiễm (ngày 1-3 số ca nhiễm mới tăng 50% trong vòng 24 giờ) và 34 người chết vì bệnh COVID-19 trong khi 83 người đã hoàn toàn bình phục.
Ông Tarcisio De Bacco, chủ nhà hàng Il Biffin ở gần thánh đường Duomo Milan, sốt ruột không biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường như trước.
"Chúng tôi mất 90% khách hàng tuần này", ông Tarcisio De Bacco nói, buồn bã nhìn ra một dãy bàn trải khăn trắng bỏ trống. "Thường vào giờ nay chúng tôi luôn quá tải lượng khách".
Nhà hàng Il Biffi của ông Tarcisio De Bacco sở hữu một vị trí đắc địa ở khu trung tâm thương mại Galleria Vittorio Emanuele II của thành phố Milan.
Ngay cạnh đó là nhà thờ nổi tiếng với lối kiến trúc Gothic, cũng là một biểu tượng của thành phố Milan, đã đóng cửa từ tuần này theo lệnh của chính quyền vùng Lombardi nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Chính quyền cũng đã ra lệnh đóng cửa với các bảo tàng, rạp hát, hộp đêm, trường học, phòng tập gym, bể bơi…, những nơi mọi người vẫn thường ghé đến nếu không ở nhà hay tới công sở.
Đường phố ở Milan trong mùa dịch corona - Ảnh: PAGINA12
Ở thành phố gần 1,4 triệu dân Milan, dường như mọi thứ đều đang phải đóng cửa.
Hai hội chợ thương mại Mido và Myplant & Garden tuần này cũng đã hoãn. Tỉ lệ sử dụng phòng ở tại các khách sạn chỉ còn 20%, trong khi thông thường vào thời điểm cuối tháng 2 hàng năm, tỉ lệ này khong dưới 85%.
Liên đoàn khách sạn Ý (Federalberghi) gọi đây là một "thảm họa".
Và tình hình sẽ chỉ tiếp tục tồi tệ hơn. Hơn nửa triệu phòng đã bị khách hủy trong khoảng thời gian từ 24-2 đến cuối tháng 4, nguyên nhân cũng vì dịch bệnh.
Ước tính tổng mức thiệt hại doanh thu của ngành khách sạn Ý vì dịch lên tới 200 triệu euro (220 triệu USD).
Do nhu cầu sụt giảm mạnh, các hãng bay như hãng EasyJet cũng tạm thời cắt các chuyến bay tới miền bắc nước Ý trong tình hình hiện tại.
Virus corona đã xuất hiện như "một cú sốc với thành phố", bà Marta Tegnani, 49 tuổi, một người lạc quan tại thành phố Milan nhận xét, nhưng vẫn tin tưởng mọi thứ sẽ tốt hơn trong vài tuần tới.
"Thành phố gần như hoang vắng, tàu điện ngầm và xe bus trống trơn", bà cho biết.
Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin AP, nhiều hãng bay của Mỹ đã hủy các chuyến bay tới Milan khi số ca nhiễm mới virus corona tại Ý tăng 50% trong ngày 1-3.
Chính phủ Mỹ cũng đã phát cảnh báo đi lại mức cao nhất, khuyến cáo người dân không đi tới hai khu vực ở miền bắc nước Ý là nơi đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 rất nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận