Ông John Tu, CEO và đồng sáng lập của Kingston Technology
Kingston nắm giữ thị phần lớn nhất toàn cầu về DRAM trong 20 năm liên tiếp và ổ cứng SSD trong 7 năm liên tiếp, theo TrendForce. Năm 2023, công ty được xếp hạng thứ 25 trong danh sách các công ty tư nhân lớn nhất Hoa Kỳ của Forbes, trở thành một trong hai công ty tư nhân duy nhất trong lĩnh vực "Thiết bị & Phần cứng Công nghệ" trong top 25.
Cuộc gặp trên sân bóng rổ và lần khởi nghiệp thứ hai
Lớn lên ở Trung Quốc và học tập ở Đức, ông John Tu đến Mỹ lần đầu tiên vào năm 1968 và cảm mến đất nước này. Sau đó, ông gặp David Sun trên sân bóng rổ, trở thành bạn và cùng nhau mở một công ty.
"Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng bán công ty đó và đem số tiền có được để đầu tư vào chứng khoán. Nhưng chỉ khoảng 6 tháng sau, thị trường chứng khoán sụp đổ, chúng tôi mất sạch tiền và không còn một đồng nào cả", ông John Tu kể.
Lúc này, ông và cộng sự phải nhanh chóng tìm một công việc kinh doanh nào đó để có tiền trang trải cuộc sống, vì "chúng tôi chỉ có thể cầm cự được 1-2 tháng" - ông nhớ lại.
Trong những năm 1980, Apple ra mắt những chiếc máy tính (PC) đầu tiên, nhưng chưa thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó, IBM giới thiệu các mẫu PC, và mọi người bắt đầu để ý dòng sản phẩm mới này. Tuy nhiên, khi nhu cầu đối với máy PC tăng lên, các nhà sản xuất lại không có đủ cấu kiện, phụ kiện, đặc biệt bộ nhớ.
Và đây chính là cơ hội khởi nghiệp lần thứ hai cho ông John Tu và ông David Sun - sản xuất bộ nhớ để cung cấp cho các nhà phân phối, giúp họ phát triển nhanh hơn.
Nhờ vào sự giúp đỡ ban đầu của một người bạn, họ bắt đầu với 5 module sản phẩm. Dần dần mọi người truyền tai nhau, và khách hàng đến với họ nhiều hơn.
"Xuất phát của chúng tôi là một cuộc thảm họa, bắt đầu bằng chuyện không có một đồng nào cả, chúng tôi mất hết tất cả. Thời điểm này gần như tuyệt vọng, nhưng lại rất may mắn khi mình tìm được ngay một dòng sản phẩm mà thị trường đang cần. Và đấy chính là khởi đầu của Kingston", ông John Tu chia sẻ.
Chìa khóa cho sự thành công
Với ông John Tu, nhân viên là chìa khóa lớn nhất cho sự thành công của công ty.
"Tôi muốn đối xử với nhân viên trong công ty như người thân trong gia đình. Chúng tôi sẽ không bao giờ để Kingston thất bại, bởi khi công ty thất bại thì tất cả nhân viên của chúng tôi đều gặp khó khăn".
Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, Kingston trở thành công ty đầu ngành trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu
Tại Kingston, nhân viên đối xử với nhau dựa trên nguyên tắc tôn trọng - công bằng - thành thật. Sếp và nhân viên có vị trí ngồi làm việc như nhau, kể cả ông John Tu. Ông cũng cho rằng việc tạo môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái sẽ tạo động lực cho mọi người, vậy nên ông thường cùng nhân viên chơi bóng rổ và giao lưu âm nhạc.
Văn phòng công ty ở Fountain Valley có khá nhiều nhân viên đến từ Việt Nam, và hầu hết đã gắn bó hơn 20 năm. Ông John Tu đánh giá đây là những nhân viên siêng năng, có đạo đức, trung thành và tận tâm. Họ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của công ty trong những năm qua. Ông John Tu cho biết ông cũng thích gặp gỡ và làm việc với đội ngũ nhân sự và đối tác tại Việt Nam.
Chìa khóa của sự thành công còn đến từ nguyên tắc là không bao giờ đi vay. Công ty phát triển tự thân và không phụ thuộc vào các khoản vay từ ngân hàng. Theo ông John Tu, đây là cách kinh doanh an toàn.
Thương vụ Softbank - cột mốc thay đổi cuộc đời nhiều nhân viên Kingston
Năm 1996, Softbank, một công ty về viễn thông có nguồn vốn lớn, đã mua Kingston. Theo ông John Tu, lý do lớn nhất để bán công ty cho Softbank năm 1996 là vì luôn hứa chăm sóc cho nhân viên dù chuyện gì xảy ra; thậm chí nếu một ngày công ty thất bại thì cũng lấy số tiền còn lại để chia đều cho tất cả nhân viên của công ty.
"Chúng tôi nghĩ nếu bây giờ mình có tiền thì mình sẽ hiện thực lời hứa của mình với nhân viên, mà không cần phải đợi đến tương lai,", ông John Tu nhớ lại.
Do đó sau khi bán công ty, ông đã lấy 100 triệu USD để chia đều cho tất cả nhân viên, mức tiền thưởng dao động từ 100 - 300 nghìn USD. Đây là điều chưa từng xảy ra trong các ngành công nghiệp và đã thu hút rất nhiều sự chú ý vào thời điểm đó.
Đến tháng 7-1999, Softbank bán lại 80% cổ phần tại Kingston cho ông John Tu và ông David Sun với giá thấp hơn một nửa so với giá ban đầu. Từ đây, Kingston đã có những bước phát triển vượt bậc.
Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với Kingston
Kingston chính thức gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 15 năm và là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực DRAM và SSD tại đây. Công ty ghi nhận mức tăng trưởng qua mỗi năm với phân khúc DRAM là 13% và phân khúc SSD là 11%.
Trong năm 2024, Kingston đặt mục tiêu nắm giữ 30% thị phần trong phân khúc DRAM, tăng từ mức 19% trong năm 2023. Đối với phân khúc gaming, công ty hướng đến việc giữ vững vị trí dẫn đầu với 35% thị phần. Còn đối với phân khúc SSD, công ty hướng đến 25% thị phần, tăng từ mức 18%.
"Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào 15 năm trước. Lần này quay lại, tôi thấy Việt Nam đã thay đổi khá nhiều. Theo quan sát của tôi với các nước đang phát triển, đây là lúc Việt Nam sẽ phát triển bùng nổ. Và tôi cảm thấy hào hứng với tiềm năng của thị trường Việt Nam," ông John Tu nhấn mạnh.
Năm 2023, vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỉ USD, giải ngân hơn 23,1 tỉ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan rằng Việt Nam đang ở 'chân sóng' của chu kỳ đầu tư FDI mới. Theo ông John Tu, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghệ khi nước ta đang trên đà phát triển và có chi phí sản xuất bình ổn so với các quốc gia khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận