20/08/2016 13:40 GMT+7

Kim Xuân - Kỳ 2: Cõi tình và Thời con gái đã xa

TRÀ MY - MAI NGUYỄN
TRÀ MY - MAI NGUYỄN

TTO - Người nghệ sĩ sân khấu như NSƯT Kim Xuân vẫn nặng lòng lắm với số phận nhân vật, với ánh đèn, với tấm màn nhung và bao khán giả ngồi dưới khán phòng.

NSƯT Kim Xuân - Ảnh: NVCC
NSƯT Kim Xuân - Ảnh: NVCC

Với chiều dài hoạt động nghệ thuật tính bằng con số chục năm với đủ các thể loại từ kịch nói, phim truyền hình, phim điện ảnh, MV ca nhạc…, Kim Xuân vẫn gọi những vai diễn trên thánh đường sân khấu bằng sự yêu thương trìu mến, ngọt ngào như cách người ta vẫn nhắc về mối tình đầu của mình.

Có ngồi nghe về những vai diễn mới thấy, dù có đi đâu, người nghệ sĩ sân khấu như chị vẫn nặng lòng lắm với số phận nhân vật, với ánh đèn, với tấm màn nhung và bao khán giả ngồi dưới khán phòng.

Vài trăm ngàn đồng tiền cát sê sau mỗi đêm trút mình, sống một cuộc đời khác có lẽ chẳng là bao với tiền triệu, tiền trăm triệu khi người nghệ sĩ tham gia những chương trình truyền hình, phim điện ảnh nhưng sân khấu vẫn có những mãnh lực riêng mà chỉ những người yêu nó mới hiểu...

Như Kim Xuân, rất lâu sau này, khi những vở diễn chị tham gia ngày ấy không còn sáng đèn phục vụ khán giả, chị vẫn nhớ về nó như một người bạn tri âm.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Kim Xuân vẫn còn nói về Cõi tình, Thời con gái đã xa, Mênh mông tình mẹ… bằng thấu cảm của một người sống ở thời hiện đại, nhìn về những nhân vật từng làm chị vừa yêu thương, vừa dằn xé mỗi lần sân khấu mở màn.

Cõi tình và kỷ niệm với cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền

Năm 1990, nghệ sĩ Kim Xuân có cơ duyên làm việc cùng tác giả, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền trong vở Cõi tình, một vở diễn do chính Huỳnh Phúc Điền viết.

“Lúc sáng tác vở Cõi tình, Huỳnh Phúc Điền mới 24 tuổi, còn chưa lập gia đình. Vậy mà anh ấy đã viết được được một vở kịch về tâm lý giữa 2 vợ chồng rất “kinh khủng”. Đến bây giờ cũng khó có người nào được như anh ấy”, nghệ sĩ Kim Xuân nói về những ký ức với người đạo diễn tài hoa.

Vở diễn dự liên hoan sân khấu ở Quảng Ninh và vỏn vẹn chỉ có 3 người tham gia trên sân khấu là nghệ sĩ Kim Xuân, nghệ sĩ Minh Hoàng và Lê Bình.

Liên hoan có 4 Huy chương vàng (HCV) thì có đến ba cái dành cho Cõi tình. Hai HCV cá nhân dành cho nghệ sĩ Kim Xuân và tác giả Huỳnh Phúc Điền, một HCV dành cho vở diễn.

Với Kim Xuân, đây thực sự là một bước ngoặt lớn, một dấu son trong cuộc đời và là bước đệm đưa chị về sân khấu 5B.

“Khi ấy đoàn 5B có nhiều người giỏi lắm. Ở đây, tôi tham gia những vở như Người đàn bà mộng du, Chuyện lạ, Ngôi nhà không có đàn ông, Số phận trớ trêu, Ảo ảnh tình yêu,…”, Kim Xuân nhớ lại.

NSƯT Kim Xuân và NSƯT Thành Lộc
NSƯT Kim Xuân và NSƯT Thành Lộc

 

Nỗi lòng “Thời con gái đã xa”

Năm 1997, Kim Xuân bắt đầu về diễn cho sân khấu Idecaf. Vở diễn đầu tiên chị tham gia tại sân khấu này là Tình yêu dành cho hai người của đạo diễn Trần Minh Ngọc.

Người tung hứng cùng Kim Xuân trong vở này là nghệ sĩ Thành Lộc. Đến giờ, sau nhiều năm quay trở lại Idecaf, chị vẫn dành cho người đồng nghiệp này nhiều tình cảm yêu mến: 

“Diễn chung với Lộc thích lắm. Không một suất diễn nào chúng tôi lặp lại. Người tung, kẻ bắt rồi lại tung, lại hứng, diễn “đã” vô cùng. Tôi nghĩ đó là cái “phiêu”, cái “bay” làm nghệ sĩ thăng hoa”, chị nói.

 

NSƯT Kim Xuân và diễn viên Đại Nghĩa
NSƯT Kim Xuân và diễn viên Đại Nghĩa

Duyên nghề một lần nữa đưa Kim Xuân đến với vai diễn để đời của chị trong Thời con gái đã xa. Đó là vở khép lại Liên hoan sân khấu mùa thu, nơi Kim Xuân tham gia đến 4 vai chính trong 4 vở khác nhau, đến mức nghệ sĩ Việt Anh phải thốt lên rằng: "Sức làm việc của Xuân kinh khủng quá!".

Kim Xuân vào vai cô Diệu, người đàn bà lỡ thì, trở về sau cuộc chiến với những nỗi đau chỉ mình bà thấu hiểu và những vật lộn để tồn tại với cuộc đời nhiều đắng cay, chua xót.

Chị kể vở diễn có nội dung tưởng chừng rất đơn giản, cách dàn dựng cũng giản dị này lại được khán giả thương mến vô cùng bởi tầng sâu ý nghĩa và nỗi day dứt khôn nguôi mà vở đọng lại trong lòng khán giả.

Ngay cả Kim Xuân, diễn xong rồi chị vẫn chẳng thể nào thoát được vai.

Chị chẳng thể quên hình ảnh cô Diệu vì trúng bom mà bị cháy nửa thân người, khuôn mặt một bên biến dạng, ai cũng xem cô là quái vật. Cô Diệu ấy tự tử vì còn mục đích gì đâu mà sống. Đồng đội khuyên can nhưng có ai hiểu cô cần một điều gì đó, một ai đó neo cô lại giữa cuộc đời.

NSƯT Kim Xuân
NSƯT Kim Xuân

Sau quá trình đấu tranh tư tưởng, cô Diệu có một ý định táo bạo trong thời chiến là xin được ngủ cùng một người đồng đội của mình để có một đứa con. Biết mình mang thai, cô rời đơn vị, vào thành phố làm nghề ve chai kiếm sống. Người đồng đội trở về và có vợ con nơi đất Bắc.

Rui rủi làm sao, 10 năm sau, họ gặp lại giữa mảnh đất Sài Gòn… Chuyện cứ thế vỡ ra, dưới bề mặt rất đơn giản của câu chuyện là bao nhiêu mảnh đời về những người đã trải qua chiến tranh và chỉ mưu cầu một cuộc sống bình thường. Kim Xuân vẫn còn nguyên những bồi hồi khi nhớ lại từng lớp diễn của Thời con gái đã xa.

“Những kỉ niệm như thế, không phải ai trong cuộc đời cũng dễ có được. Bên cạnh lòng yêu nghề, tôi cũng cảm thấy biết ơn khi sức khỏe cho phép mình trụ lại và làm việc được”, Kim Xuân đúc kết.
TRÀ MY - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên