Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong tại tiệc tối ở Bình Nhưỡng hôm 5-3 - Ảnh: REUTERS
Những diễn biến tích cực trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên trong một tháng qua cho người ta một cái nhìn lạc quan về giải quyết căng thẳng hai miền và xa hơn là các mục tiêu như đối thoại Mỹ - Triều, phi hạt nhân hóa hay thậm chí viễn cảnh thống nhất…
Hôm qua (5-3), sau cuộc gặp gỡ, hội đàm và ăn tối kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ với phái đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thậm chí đã "đạt được một thỏa thuận vừa ý" về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Những "kỷ lục" đáng khen
"Khi nghe đặc phái viên miền nam (Hàn Quốc) nói về ý định tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Moon Jae In, lãnh đạo Kim Jong Un đã trao đổi quan điểm và đạt được một thỏa thuận vừa ý" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật.
Theo KCNA, trước mặt phái đoàn Hàn Quốc, ông Kim đã khẳng định "ý chí vững chắc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ" quan hệ liên Triều và "viết một trang sử mới về thống nhất quốc gia".
Cuộc gặp được tổ chức ngay tại trụ sở của đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Ngoài ông Kim còn có vợ ông - bà Ri Sol Ju, em gái ông - bà Kim Yo Jong, cùng các quan chức khác của Triều Tiên. Trong khi đó, phái đoàn 10 người của Hàn Quốc có tới 5 quan chức cấp cao, gồm cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên ở Seoul, một quan chức Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc đã đạt được một số thứ "không gây thất vọng". Tuy nhiên, vị này không nêu chi tiết.
Chuyến thăm hai ngày của phái đoàn Hàn Quốc tại Triều Tiên diễn ra sau chuyến thăm Hàn Quốc của em gái lãnh đạo Triều Tiên - bà Kim Yo Jong nhân sự kiện khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang hồi tháng trước.
Nếu chuyến thăm của bà Kim Yo Jong là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên gia đình họ Kim nắm quyền tại Triều Tiên đến Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thì phái đoàn Hàn Quốc do ông Chung dẫn đầu là những quan chức Hàn Quốc đầu tiên gặp mặt trực tiếp ông Kim kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 6 năm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - bà Kim Yo Jong dịp Olympic PyeongChang vào tháng trước - Ảnh: REUTERS
Liên quan tới phản ứng của Bắc Kinh, trong cuộc họp báo đầu ngày 5-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh hy vọng sự tương tác giữa hai miền Triều Tiên có thể mang lại các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Vị này tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng giữ vai trò tích cực để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa và có được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Âm thầm tiến trong nồng ấm!
Báo cáo mới nhất của tình báo Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên cho thấy nước này tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong cải tiến công nghệ dẫn dường, cho phép các tên lửa bắn trúng chính xác từng mục tiêu cụ thể, đài CNN hôm 2-3 dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ có liên quan tới báo cáo.
Tình báo Mỹ nói rằng Triều Tiên đã đạt được một số tiến bộ như vậy trong chương trình tên lửa trong suốt khoảng thời gian nồng ấm giữa nước này với Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang hồi giữa tháng 2.
Chỉ là câu giờ!
Sau loạt căng thẳng vào năm 2017 với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bỗng có động thái tích cực. Phía Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lúc bấy giờ cũng ra tuyên bố hoan nghênh động thái này.
Đó là trong thông điệp năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố có thể cử đoàn vận động viên tới tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang và để ngỏ khả năng đàm phán với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng ngay trong thông điệp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Ông cảnh báo Mỹ rằng "nút bấm hạt nhân" luôn nằm trên bàn làm việc.
Theo nhà bình luận chính trị Tom Rogan trên tạp chí Washington Examiner (Mỹ), những gì ông Kim Jong Un thật sự đang làm chính là "câu giờ" cho chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của mình.
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 vào ngày 4-7-2017 - Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang có các động thái tích cực với phía Hàn Quốc nhằm tách Seoul ra khỏi chiến lược "gây áp lực tối đa" của Mỹ.
Bình Nhưỡng tin rằng nếu Hàn Quốc phản đối tích cực các động thái ngoại giao, kinh tế, quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, các biện pháp đơn phương của Mỹ sẽ ít hiệu quả hơn.
Thông qua các diễn tiến tích cực trong quan hệ hai bên, ông Kim muốn Hàn Quốc tin rằng thay vì gây áp lực tối đa, cách tốt nhất để đạt hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là cố gắng "xoa dịu" Bình Nhưỡng.
Túi tiền Triều Tiên vốn dĩ đang bị "bóp nghẹt" do các lệnh trừng phạt gắt gao của Liên Hiệp Quốc và áp lực đơn phương của Mỹ lên Trung Quốc cũng như các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do đó, nếu tranh thủ được sự ủng hộ của Hàn Quốc, ông Kim sẽ nhẹ nhõm phần nào. Lúc này, Triều Tiên sẽ có thêm thời gian, tiền bạc để đầu tư cho các vũ khí răn đe Mỹ.
Mặt khác, có thể thấy Triều Tiên hiện chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để thảo luận phi hạt nhân hóa. Nồng ấm với Hàn Quốc không có nghĩa Triều Tiên sẽ xuống nước với Mỹ.
Đi đến Triều Tiên, phái đoàn Hàn Quốc có hai nhiệm vụ chính: Một là cải thiện quan hệ với Triều Tiên và thứ hai là kêu gọi Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để kết thúc chương trình hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng nói rằng hai sáng kiến này phải đi "song song" với nhau.
Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên không hề đá động liệu hai bên đã bàn luận về khả năng Triều Tiên đàm phán với Mỹ để kết thúc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc gặp ngày 5-3 hay không.
Ngay trước cuộc tiếp đón phái đoàn Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 3-3 còn nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết do Mỹ đặt ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận