Ông Kim Jong Un và ông Vladimir Putin được đánh giá là "đồng minh tự nhiên" - Ảnh: AFP
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện tại nhà ga Vladivostok hôm 24-4, các quan chức cao cấp nhất của Nga đã trải thảm đỏ ra đón. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bay qua 7 múi giờ cho cuộc gặp này, giúp ông Kim khỏi phải ngồi tàu 12.000 dặm đến Matxcơva như cha ông đã từng.
Đối với Bình Nhưỡng, con đường này có vẻ cơ may thành công cao hơn phương án "Donald Trump". Quyền lực nhà lãnh đạo Mỹ hiện đã suy yếu ít nhiều, chưa kể nhiệm kỳ của ông sắp đến hồi kết thúc và khả năng tái đắc cử là một dấu hỏi lớn.
Ông Putin rõ ràng muốn cho ông Kim thấy phương án thay thế Mỹ tốt ra sao. Nhà lãnh đạo Nga không mang trên vai những gánh nặng như ông Trump: không có Đảng Dân chủ nào chèn ép, không có trát gọi hầu tòa, không bị điều tra, và không có cuộc tái tranh cử nào đe dọa quyền lực.
Vị thế của ông Putin ở Nga cũng giống như Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc - đồng minh gần nhất của Triều Tiên. Tuyến đường sắt nối thẳng từ Bình Nhưỡng đến Vladivostok đã giúp ông Kim tránh phải đi qua đất Trung Quốc - một thông điệp khéo léo Bắc Kinh ắt đã lưu ý.
Trên nhiều phương diện, ông Putin chưa lúc nào mạnh như hiện tại. Giá dầu tăng nhờ Mỹ chặn Iran xuất khẩu dầu thô cất bớt một trong vài điểm yếu của nhà lãnh đạo Nga: lệnh cấm vận phương Tây vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea. Giá dầu phục hồi đồng nghĩa ông Putin có thể tự do thực hiện nghị trình đối ngoại của mình ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ Syria.
Trên nhiều phương diện, quyền lực của tổng thống Nga lớn hơn so với người đồng cấp Mỹ - Ảnh: AFP
Có vẻ như ông Putin muốn giữ vai trò môi giới quyền lực toàn cầu với Triều Tiên, điều mà ông Trump khao khát nhưng chưa đạt được. Sau màn dạo đầu khá tốt, thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Việt Nam hồi tháng 3 không đi đến thỏa thuận do có thông tin khẳng định Bình Nhưỡng đòi dỡ hết các lệnh cấm vận mới chịu giải giáp hạt nhân, còn Mỹ thì muốn những câu trả lời minh bạch về các cơ sở hạt nhân và những cam kết có kiểm chứng trong quá trình thực thi.
Ông Putin có thể "nhắc" ông Kim về nhiều thứ, chẳng hạn quyền phủ quyết của Nga ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hay chuyện ông Trump có thể là ông tổng thống 1 nhiệm kỳ, chỉ cần đợi thêm 18 tháng nữa là mọi chuyện sẽ rõ...
Ở chiều ngược lại, ông Kim dường như đã thấy được con đường mới, và cuộc hội đàm với tổng thống Nga càng củng cố quyết tâm đó hơn.
Nga có thể giúp Triều Tiên hiện đại hóa loạt nhà máy công nghiệp cũ kỹ từ thời Liên Xô, cung cấp điện giá rẻ...; đổi lại, người Nga sẽ quan tâm đến nguồn khoáng sản hiếm của Triều Tiên, nhất là kim loại hiếm vốn Trung Quốc cũng thèm muốn.
Rõ ràng, ông Putin có thể đưa ra cho ông Kim một loạt đề nghị hấp dẫn nhưng bất khả thi nếu là tổng thống Mỹ, hoặc thậm chí chủ tịch Trung Quốc. Nếu ông Trump muốn đạt được chút tiến bộ nào đó trong vấn đề Triều Tiên từ nay đến tháng 11-2020, ông phải đối diện với tất cả thách thức đó nhanh chóng và dứt khoát.
Với điều kiện mọi thứ chưa quá trễ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận