Ngày 11-10, tại hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM - cho biết đề án là chính sách hoàn toàn mới của thành phố.
Việc thực hiện thành công đề án cần sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan nhà nước tại TP.HCM và bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và bà con người Việt Nam ở các nước.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, kết quả thu hút kiều hối năm 2023 tại TP.HCM rất ấn tượng với khoảng 9,46 tỉ USD. Riêng 9 tháng đầu năm nay thống kê sơ bộ cho thấy lượng kiều hối về thành phố đạt 5,485 tỉ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về.
"Thông thường trong quý 4 hằng năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam nói chung và TP.HCM thường cao hơn các quý khác, bình quân chiếm 30% cả năm, vì đây là thời gian cao điểm cho cuối năm và Tết Nguyên đán. Với tốc độ và cơ cấu này thì hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án định hướng", ông Lệnh cho biết.
Tuy vậy tại hội nghị, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng cho rằng thành phố phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách hơn nữa mới có thể thu hút kiều hối hiệu quả. Hiện vẫn còn thực trạng lượng kiều hối chuyển tiền qua kênh ngân hàng chỉ đạt khoảng 50% tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, còn lại được chuyển qua kênh tiểu ngạch.
Trực tiếp từ đầu cầu Tokyo, ông Nguyễn Đức Minh - công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết kiều hối là chủ đề mà đồng bào ở Nhật Bản rất quan tâm, trong đó làm sao có thể tăng tỉ suất lợi nhuận, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả.
Hiện số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản tăng lên rất nhanh, với hơn 600.000 người, trong đó chủ yếu là người trẻ.
Trong khi đó ông Trần Bá Phúc, chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, bày tỏ mong muốn các ngân hàng Việt Nam làm việc với các ngân hàng đối tác tại Úc để việc chuyển tiền về nước thuận tiện hơn.
Đang có thực trạng là dịch vụ ngân hàng Việt Nam chưa mở rộng ra tại Úc, trong khi các ngân hàng nước ngoài thu phí rất cao. "Vừa qua, chúng tôi huy động được 45.000 đô la Úc để gửi về nước ủng hộ đồng bào bị bão lụt, nhưng do kênh chuyển tiền chưa thuận lợi nên bị tính phí tới hơn 10%", ông Phúc kể.
Kiều bào cho rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối cần được quan tâm xem xét và triển khai thực hiện hiệu quả hơn trước.
Theo đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để tạo hành lang chuyển khoản kiều hối, hỗ trợ phí giao dịch để hỗ trợ người chuyển tiền.
Cùng với đó, công tác truyền thông tăng cường nhiều hơn để thay đổi thói quen chuyển tiền của kiều bào, từ kênh không chính thức sang kênh chính ngạch tại ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận