25/10/2016 19:52 GMT+7

Kiếp phong trần: tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam?

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Bản sách in đầu tiên tại Việt Nam là một cuốn truyện ngắn chỉ hơn 4.000 chữ với 7 trang A4 mang tựa Kiếp phong trần in năm 1882 do Nhà hàng Guilland et Martinon thực hiện.

Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản
Chân dung nhà văn Nguyễn Trọng Quản và cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông - Ảnh tư liệu

Trước đây, nhiều thế hệ người yêu thích văn học Việt Nam mặc định rằng “tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của Việt Nam là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, in năm 1925 tại Hà Nội”.

Đến năm 1998, khi giáo sư Nguyễn Văn Trung phát hiện và công bố quyển tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, in tại Sài Gòn năm 1887 thì Tố Tâm "mất ghế danh dự".

Việc phát hiện nầy đặt lại vấn đề là “văn học quốc ngữ bắt đầu từ khi nào? Ai là tác giả đầu tiên? Tác phẩm tên gì? In ở đâu?”.

Những câu hỏi ấy khiến khá nhiều nhà nghiên cứu bỏ thời gian và công sức tìm kiếm lời đáp.

Người viết thì tin rằng ngọn nguồn của văn học quốc ngữ phải xuất phát từ báo chí vì “báo chí là cái nôi của văn học Việt”.

Vì vậy người viết đi tìm trong đống báo xưa cũ, dù còn lưu giữ được không nhiều lắm, và phát hiện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản không phải là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên được in tại Việt Nam.

Báo chí và văn chương quốc ngữ

Trước khi vô đúng địa chỉ của tiểu thuyết đầu tiên, có lẽ chúng ta cũng nên khảo sát qua mối quan hệ giữa báo chí và tiểu thuyết.

Nếu ai đã lật những tờ báo quan trọng từ năm 1975 trở về trước, trừ những tờ chuyên ngành, sẽ thấy rằng, văn chương là một phần không thể thiếu của các tờ báo.

Tiểu thuyết giúp người đọc quên sự khô khan của tin tức, những bài nghị luận dài lê thê; tiểu thuyết đăng nhiều kỳ (feuilleton) còn giúp báo giữ độc giả mua báo mỗi ngày để theo dõi truyện trên báo.

Khoảng năm 1925, tờ Công Luận Báo, một tờ báo ủng hộ chánh quyền đương thời, bị độc giả tẩy chay vì không nói gì đến đám tang cụ Phan Châu Trinh, tìm cách lôi kéo độc giả. Chủ báo liền mời người viết tiểu thuyết ăn khách nhứt thuở ấy là nhà văn Phú Đức (Nguyễn Đức Nhuận) về làm chủ bút dù ông... chưa hề làm báo ngày nào. Trách nhiệm duy nhứt của nhà văn Phú Đức là viết tiểu thuyết.

Nhờ vậy mà tờ báo nầy đủ sức cạnh tranh với tờ báo đương thời có đông độc giả là Trung Lập Báo.

Tôi lật tờ Trung Lập Báo (1924-1933), một tờ báo ra hàng ngày bị coi là ủng hộ chánh quyền Pháp, những số ra năm 1924, thì thấy số nào cũng có một đến hai trang dành cho văn học và đều có một đến hai tiểu thuyết đăng nhiều kỳ.

Điều đáng chú ý là rất nhiều nhà báo thuở ấy viết văn. Có thể kể như Trương Minh Ký với bút hiệu Mai Nham xuất hiện đều đặng trên tờ Nam Kỳ (1897-1900), Lương Khắc Ninh (chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm từ 1901 đến 1906, Lục Tỉnh Tân Văn từ 1906 đến 1911, Trung Lập Báo từ 1924), Trương Duy Toản (phó chủ bút Trung Lập Báo từ 1924, chủ nhiệm tờ Sài Gòn từ 1930), Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút Nông Cổ Mín Đàm từ 1920), Nguyễn Viên Kiều tự Lão Ngạc, Đặng Thúc Liêng (chủ bút tờ Tân Văn, phó chủ bút tờ Trung Lập), Lê Sum (chủ bút tờ Công Luận Báo), Lê Hoằng Mưu (chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn từ 1921)...

Xưa, chủ bút hoặc nhóm bỉnh bút một tờ báo ngoài việc làm báo họ còn là những cây bút chính. Nếu để ý, chúng ta thấy các vị chủ bút, phó chủ bút viết hầu hết các trang mục của một tờ báo.

Ngoài các phần nghị luận, các vị phải sáng tác, phải dịch cho đủ bài lấp đầy tờ báo ra mỗi kỳ. Có thể vì vậy mà họ “đương nhiên” trở thành nhà văn hồi nào mà chính các vị cũng không hay. Bởi nếu không làm như vậy thì ai làm? Không ai cả! Mỗi tờ báo ngày xưa có rất ít hoặc không có phóng viên như ngày nay.

Chân dung Trương Vĩnh Ký và tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo (1865-1910) - Ảnh tư liệu

 

Bản sách in đầu tiên

Tháng 4-1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo (1865-1910) ra đời. Hai người Việt đầu tiên và cũng là hai người giỏi quốc ngữ nhứt thời bấy giờ, cộng tác với tờ báo là hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Paulus Của, cả hai đều học ở trường dòng Penang (Mã Lai).

Năm 1881, chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ vẫn chưa có nhiều người biết. Rất nhiều quan viên (cả người Việt lẫn người Pháp) làm việc trong hệ thống chánh quyền của thực dân ở Nam Kỳ vẫn còn đang học chữ quốc ngữ hoặc biết chút ít.

Đến năm 1882, chữ quốc ngữ mới được ấn định dứt khoát phải sử dụng trong hệ thống hành chánh toàn Nam Kỳ theo quyết định của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Với số người đọc ít ỏi ấy, dám viết truyện đã là “liều”.

Và cũng chính vì vậy mà tất cả các truyện ở thời điểm ấy đều ngắn hoặc rất ngắn. Bởi mới biết chút ít mà thấy nhưng truyện dài lê thê dù có chí mấy cũng... chào thua!

Kiếp phong trần là cuốn truyện ngắn chỉ hơn 4.000 chữ với 7 trang A4 và là cuốn truyện đối thoại từ đầu đến cuối, nếu không kể phần thông tin nền. 

Truyện là cuộc đối đáp giữa hai người bạn là Trương Đại Chí và Lê Hảo Học. Họ hỏi và đáp về những chuyện đời sống, chuyện cuộc sống và cách sống ở đời. Tuy ngắn nhưng ý nghĩa và là bài học muôn đời.

Kiếp phong trần in năm 1882 do Nhà hàng Guilland et Martinon thực hiện và được tái bản nhiều lần sau đó.

Nếu đi tìm nguồn cội của “tiểu thuyết đầu tiên” trong lịch sử văn học Việt thì đây là bản sách in đầu tiên.

Song trong kho tàng văn học còn có một cuốn sách khác cần được tham khảo là cuốn Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ in năm 1884 của ông Trương Minh Ký.

Đây là cuốn sách viết lại các bài thơ của La Fontain bằng văn xuôi. Tuy các truyện đều rất ngắn nhưng rất đáng để các nhà nghiên cứu văn học để mắt đến.

Điều lưu ý ông Minh Ký là học trò của ông Vĩnh Ký và sách của ông in sau sách của thầy đến hai năm. Thế nhưng qua tra cứu của chúng tôi, có một số truyện của ông Minh Ký đăng trên Gia Định Báo từ cuối năm 1881.

Thời điểm in thành sách rõ ràng sách của ông Vĩnh Ký ra đời trước nhưng khảo lại thì truyện của ông Minh Ký đăng báo trước. Vậy ai là tác giả và truyện nào là tiểu thuyết đầu tiên?

Nhà văn hóa Trương Minh Ký (1855-1900) và tờ Thông Loại Khóa Trình - Ảnh tư liệu

Thiển ý chúng tôi, ông Minh Ký chính là tác giả đầu tiên và truyện Tên chăn bò Thằng ăn trộm với con heo là tiểu thuyết đầu tiên.

Ông Trương Minh Ký (1855-1900), người quận Gò Vấp, bắt đầu theo học ông Vĩnh Ký sau khi Pháp đã chiếm Nam Kỳ. Sau đó, ông vào Trường Khải Tường (nay là Trường Lê Quý Đôn TP.HCM) học khoảng 8 năm thì ra trường và làm giáo viên tại trường.

Theo một thông báo của chánh quyền Pháp tại Nam Kỳ, năm 1874, ông được thăng cấp. Tờ Gia Định Báo ngày 1-2-1874 viết “Trường Khải Tường, Trương Minh Ký, nguyên làm thầy giáo dạy giúp hạng ba lên hạng nhì đồng niên ăn 1400 quan tiền”.

Ông Minh Ký sanh năm 1855 đến năm 1874 mới có 19 tuổi. Theo lệ của chánh quyền Pháp thì hai năm mới thăng chức một lần. Ít nhứt ông đã dạy học hai năm trước khi được thăng chức, và như vậy năm 17 tuổi ông đã làm thầy giáo! Điều nầy cho thấy ông Minh Ký là một người học rất giỏi.

Ông Minh Ký cũng là người giúp thầy Vĩnh Ký thực hiện tờ Thông Loại Khóa Trình (1888-1889) và viết khá nhiều trong tờ Nam Kỳ (1897-1900) với bút hiệu Mai Nham.

Ngày 28-10, Trường ĐH Bình Dương cùng ĐH KHXH&NV và Viện Văn học tổ chức hội thảo Những vấn đề ngôn ngữ và văn học Nam bộ tại Đại học Bình Dương. Nhân dịp nầy Tuổi Trẻ đăng loạt bài nhằm rộng đường dư luận trong việc đi tìm gốc tích của văn học quốc ngữ.

* Đón đọc kỳ 2: Feuillton - Hàng độc của báo chí quốc ngữ

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên