![]() |
Sau Hồ Quý Ly đề cập đến những vấn đề tư tưởng Nho giáo và Mẫu thượng ngàn dành riêng cho đạo Mẫu, nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất về đạo Phật, mà theo ông là “dùng toàn bộ chất liệu của cuộc đời mình” để viết nên.
Trích từ câu ca dao nghịch ngợm “Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”, tên cuốn sách đã mang hàm ý về sự bắt rễ sâu sắc của Phật giáo trong đời sống của người dân Việt Nam. Đạo không tách rời với đời, có lúc ẩn lúc hiện nhưng không bao giờ dứt, dù thời cuộc có xoay vần đến đâu, dù có những cô yếm thắm quyến rũ các nhà sư rời chùa mà bước vào đời.
“Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng... Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng” |
Hàng chục nhân vật đa dạng khác, cả người Pháp và người Việt, thuộc đủ tầng lớp làm nên bức tranh sống động, với vô số quan hệ đa tầng, những mối tình lạ lùng, vừa ly kỳ bí hiểm vừa gần gũi và thanh khiết. Chú tiểu An, sư Vô Úy, sư Vô Trần, trung úy Tây lai Bernard, ông chánh Long, anh đội Khoát, cô Rêu... đều là những nhân vật sinh ra từ sự giao kết văn hóa vô cùng phức tạp trên đất Việt Nam.
Không gian làng Sọ tưởng như chật mà rất rộng, là nơi diễn ra không thiếu một tấn kịch nào trong những giờ khắc đặc trưng của lịch sử. Tưởng như vào chùa là không còn sóng gió, vậy mà cuộc đời sư cụ Vô Úy cũng phải trải qua nào tù đày tra tấn, nào bị đói khát, bị nhục mạ. Nhưng “muốn tìm được đạo, phải biết độc hành”, con đường của mỗi người trong cõi đời đều gian nan, càng gian nan hơn khi muốn giữ được Phật tính trong bản thân mình.
Lòng từ bi có thể không thay đổi được thế gian ở thời mạt pháp, nhưng không có nó thì tất cả sẽ sụp đổ. Mang pháp danh Vô Úy (không sợ hãi), sư cụ là nhân vật thể hiện rõ nhất những tư tưởng về đạo Phật của tác giả: “Có người nghĩ chữ nhẫn của đạo Phật là sự yếu hèn cam chịu. Chắc chắn không phải như vậy.
Cuộc đời lắm lúc cần phải biết dừng lại để suy ngẫm, để tích tụ sức mạnh. Khi nào cần thiết, Phật giáo sẽ bùng nổ theo cách của nó. Mà năng lượng của cái nhẫn sẽ ghê gớm không thể tưởng tượng nổi. Nó kinh thiên động địa. Sức mạnh của từ bi có thể làm sụp đổ những gì bạo tàn nhất. Phải là người dũng mãnh như sư tử, ý chí như sắt thép mới thi hành được chữ nhẫn nhà Phật”.
Đội gạo lên chùa trẻ trung khỏe khoắn trong tư tưởng, trong sự sáng rõ, tinh tế khi mô tả; hiện đại trong cách nghĩ, cách lý giải về những vấn đề mãi trường tồn. Thế mới thấy tiểu thuyết hay không nằm ở đâu xa mà nằm trong mạch nguồn vô tận của văn hóa dân gian, chiều sâu tâm linh con người.
Và trên hết cần tấm lòng bao dung của nhà tiểu thuyết, không phán xét, mà viết để thấu hiểu: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng”.
__________
(*): Đội gạo lên chùa, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2011
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận