TTCT - Chứng minh với máy móc bản thân mình "không phải là robot" ngày càng là một "kiếp nạn" thực thụ. Bấm mũi tên cho tới khi nào số trên xúc xắc bằng số hiện bên trái.Bạn không phải người duy nhất cảm thấy các câu đố bảo mật CAPTCHA trên Internet đang ngày càng đòi hỏi nhiều chất xám. Chứng minh với máy móc bản thân mình "không phải là robot" ngày càng là một "kiếp nạn" thực thụ.CAPTCHA là tính năng giúp xác định người đang thao tác trên Internet là người thật thông qua những yêu cầu đơn giản mà máy tính khó thực hiện như đọc các ký tự bị biến dạng hay chọn hình ảnh một vật thể từ nhiều hình cho trước. Đó là chuyện muôn năm cũ. Các thử thách Captcha đang ngày càng trở nên phức tạp đến mức ngay cả người dùng thật cũng không dễ vượt qua, hoặc tốn rất nhiều thời gian và công sức.Muôn kiểu CAPTCHAScott Nover đang đăng nhập vào một trang web thì trước mắt anh là bức chân dung một con gấu trúc mặc vest với nào hoa và những lát dưa hấu trôi bồng bềnh xung quanh. "Xin vui lòng bấm vào chiếc nơ của con gấu trúc" - dòng chữ đi kèm yêu cầu Nover thực hiện như chỉ dẫn để chứng minh anh là người thật. Nover không nằm mơ: anh chỉ đang bước vào một thế giới đầy lạ lẫm của một thế hệ CAPTCHA mới với những yêu cầu có thể khiến người dùng mất nhiều phút suy nghĩ."Chọn hai vật thể có hình dáng tương đương", "kết nối số lượng viên đá với chữ số bên trái", "nhấn vào con vật không sống dưới nước", "nhấn vào vật thể màu đỏ nằm phía trước vật thể chỉ xuất hiện một lần"... là một vài ví dụ trong số những thử thách CAPTCHA lạ lùng được báo Wall Street Journal tổng hợp.Cũng như Nover, kỹ sư lập trình trò chơi điện tử Mustafa Al-Hassani, cho biết anh từng gặp nhiều CAPTCHA khiến anh đau đầu, chẳng hạn yêu cầu nhấn vào hình ảnh diễn tả một quả táo trên cây, nhưng trong số các đáp án chỉ có hình gần giống nhất là một quả táo nằm trong cái tô và cái tô thì ở trên cây. "Nhìn thì thật, nhưng lại có gì đó rất sai - khiến tôi nhức cả đầu" - Al-Hassani nói với Wall Street Journal.CAPTCHA là từ viết tắt của cụm từ "Completely Automated Public Turing test to tell Computers and Humans Apart", nghĩa là "Phép thử Turing công cộng hoàn toàn tự động để phân biệt máy tính với con người". Nó được phát triển vào đầu những năm 2000 như một cách để ngăn chặn các phần mềm tự động (bot) đóng giả người dùng để thực hiện các tác vụ có thể gây nguy hại đến cơ sở hạ tầng hoặc bảo mật của trang web. CAPTCHA đẩy cho người dùng nghĩa vụ chứng minh... mình là người bằng cách đặt ra những thách thức (được kỳ vọng) chỉ con người mới giải quyết được.reCAPTCHA (cũ) và công nghệ mới: kéo để mảnh ghép khớp vào chỗ trống.Thời gian đầu, CAPTCHA chỉ yêu cầu người dùng nhập các ký tự mà họ nhìn thấy trong hình ảnh đã bị bóp méo - một phương pháp được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Chẳng bao lâu sau, người dùng Internet lại phải tập làm quen dần với các bài kiểm tra CAPTCHA mới (reCAPTCHA), trong đó một bức hình lớn được chia thành nhiều ô nhỏ và người dùng phải nhấn vào những ô có chứa vật thể theo yêu cầu, chẳng hạn như xe buýt, trụ cứu hỏa, đèn giao thông...Với những thay đổi gần đây theo chiều hướng tăng độ khó, CAPTCHA bỗng nổi lên như một đối tượng châm biếm bởi những yêu cầu khác thường do người dùng ghi nhận. CAPTCHA được đưa vào "Viện bảo tàng của những trải nghiệm phiền toái" (một trang web trào phúng), đi vào văn hóa đại chúng với bài hát "Tôi ghét cay ghét đắng CAPTCHA" (I F-ing Hate Captchas!) của nhóm nhạc Bedposts, và là chủ đề phàn nàn của nhiều video trên mạng xã hội TikTok.Giải CAPTCHA: máy giỏi hơn ngườiKhông phải ngẫu nhiên mà CAPTCHA ngày càng được nâng cấp về độ khó. Theo thời gian, cùng với sự tiến hóa của CAPTCHA, nhiều công cụ tự động cũng ra đời để tìm cách vượt qua bài thử thách này với độ thông minh tăng dần. Nhiều công ty còn mọc lên cung cấp dịch vụ giải CAPTCHA tính phí, chẳng hạn một đơn vị tên 2CAPTCHA đưa ra mức giá chỉ 1 USD cho mỗi 1.000 mã CAPTCHA giải được, theo trang CTech.Google - ông lớn công nghệ đã thâu tóm Công ty reCAPTCHA năm 2009 - từng đăng một báo cáo năm 2013 thừa nhận AI có thể giải được "hạng mục reCAPTCHA khó nhất" với tỉ lệ thành công và độ chính xác lên đến 99,8%. Trong một nghiên cứu gần đây hơn, nhóm nghiên cứu tại OpenAI (Công ty phát triển ChatGPT) phát hiện mô hình GPT4 của họ đã tự biết... thuê một lao động tự do từ nền tảng Taskrabbit rồi nhờ người này giải CAPTCHA bằng cách đánh lừa họ rằng nó là một người khiếm thị cần trợ giúp, trang Business Insider đưa tin năm ngoái.Phần mềm đã trở nên thật sự giỏi trong việc gắn nhãn cho hình ảnh. Vì thế một thời kỳ mới của CAPTCHA đã bắt đầu - thời kỳ của suy luận logic.Kevin Gosschalk (CEO Công ty Arkose Labs)Một nghiên cứu khác của Microsoft và Đại học California năm 2022 cho thấy một người dùng mất trung bình 15-26 giây để giải câu đố CAPTCHA liên quan nhận diện hình ảnh với độ chính xác chỉ 81%, trong khi một bot máy tính có thể giải CAPTCHA tương tự trong khoảng 20 giây với độ chính xác 83%. Với CAPTCHA dạng đọc ký tự biến dạng, người dùng thật cần 9-15 giây để hoàn tất với tỉ lệ chính xác 50-84%, trong khi bot máy tính chỉ cần chưa đầy 1 giây để đạt độ chính xác 99,8%, theo CTech.Chuyện máy giờ giỏi hơn người trong việc chứng minh nhân tính có thể lý giải tại sao một số CAPTCHA đã trở nên vừa phiền toái vừa gây khó hiểu. Người dùng không chỉ phải nhận diện một thứ đơn giản, mà giờ đây họ cần nhận diện nhiều thứ và giải bài toán mối liên kết giữa chúng: di chuyển một mảnh ghép cho khớp vào khoảng trống, xoay một vật thể trong không gian ba chiều cho đến khi một mặt có chữ số chỉ định hướng về phía trước...Cộng thêm vào độ khó là những hình ảnh do AI tạo ra với đủ mọi chủ đề bắt đầu được sử dụng làm đề bài CAPTCHA. "Thành thật mà nói, mọi thứ thậm chí sẽ còn trở nên xa lạ hơn nữa bởi vì bây giờ bạn phải thực hiện một yêu cầu vô nghĩa. Bởi nếu yêu cầu đó dễ hiểu thì có khả năng các mô hình AI có thể hiểu (và giải) được" - Gosschalk giải thích.Nhập sai CAPTCHA, tôi vẫn là người"Điều duy nhất đáng buồn hơn việc phải chứng minh nhân tính của một người với robot là ngay cả chuyện đó cũng làm không xong" - cây bút Meghan O'Gieblyn viết cho trang Wired. Thế nhưng thất bại trước CAPTCHA là trải nghiệm của không ít người khi mà những yêu cầu chúng ta từng thực hiện trong vô thức đang trở thành những thử thách trí tuệ chẳng khác nào câu đố của nhân sư.O'Gieblyn ví trải nghiệm này với câu chuyện cổ tích quen thuộc về chú rối gỗ Pinocchio phải hoàn thành một loạt các thử thách đạo đức để chứng minh cậu có các phẩm chất con người trước khi được xem là một "cậu bé đích thực"."Thật sự thì bài kiểm tra Turing chứng tỏ trí khôn của máy móc ít hơn việc nó minh họa cho sự lo lắng của loài người về ý nghĩa của việc làm người" - O'Gieblyn đúc kết. Nhà triết học người Anh John Lucas từng tuyên bố năm 2007 rằng nếu một chiếc máy tính có thể vượt qua bài kiểm tra Turing thì đó không phải vì máy móc quá thông minh mà bởi vì "con người, ít nhất là nhiều người trong số chúng ta, quá khô cứng".Chúng ta đối mặt với nỗi lo lắng mang tính bản thể mỗi khi không thể nhận diện một chiếc xe buýt trong bức ảnh mờ căm, hay chịu thua khi phải phân biệt chữ "E" cách điệu với một số "3" nguệch ngoạc, O'Gieblyn viết.Bấm mũi tên để con vật bên phải nhìn cùng hướng tay chỉ.Trong bài tự sự gửi cho tạp chí n+1, Laura Preston - một người làm công việc là "nhân sự dự phòng" cho chatbot tự động - cho biết công việc này đã khiến cô cạn kiệt cảm xúc. Yêu cầu của Preston là nhảy vào trợ giúp chatbot của công ty mỗi khi nó không thể tiếp tục duy trì hội thoại, nhưng cô phải bắt chước giọng văn của chatbot này thật mượt sao cho khách hàng không nhận ra nãy giờ họ nói chuyện với máy. "Tôi chợt nhận ra rằng không phải tôi huấn luyện (chatbot) Brenda suy nghĩ như con người, mà là Brenda đang huấn luyện tôi suy nghĩ như một con robot, và có lẽ đó chính là vấn đề bấy lâu nay" - Preston viết.Khi tự vấn bản thân có đủ tố chất làm người khi không thể hoàn thành CAPTCHA, chúng ta có thể học được ít nhiều từ suy nghĩ của Brian Christian - người chiến thắng giải thưởng phụ dành cho "con người giống con người nhất" thuộc khuôn khổ Giải Loebner (trao cho những phần mềm máy tính thể hiện xuất sắc trong bài kiểm tra Turing) năm 2009.Christian ghi điểm bằng câu trả lời độc đáo khi được yêu cầu điền vào chỗ trống cho câu "Con người là loài vật duy nhất...". Anh viết rằng: "Con người dường như là loài duy nhất lo lắng về điều gì khiến họ trở nên độc đáo". Đó có lẽ chính xác là những gì tạo nên trải nghiệm làm người mà AI học cả đời cũng không thể tái tạo. AI không bao giờ thức trắng đêm nghiền ngẫm về những thất bại trong đời, hay tự hỏi việc nó được làm bằng gỗ hay bằng silicon thì có ý nghĩa gì."Mỗi khi bạn lo sợ rằng mình sẽ mất vị thế vào tay máy móc, bạn đang thể hiện chính những mối quan tâm và lo lắng khiến bạn trở thành một con người không lẫn vào đâu được" - O'Gieblyn viết. Tags: CaptchaCông nghệBảo mậtAiRobot
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Singapore bán sạch vé trận bán kết ASEAN Cup 2024 với tuyển Việt Nam chỉ sau 6 tiếng THANH ĐỊNH 22/12/2024 Chỉ sau 6 tiếng mở bán, Singapore đã bán hết sạch vé trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024 với tuyển Việt Nam.