06/12/2020 10:31 GMT+7

Kiện vì có cháu sao còn... nhận con nuôi

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Cụ Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1928, ngụ TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) không có con. Năm 1999 cụ Huệ nhận chị Lê Thị Bé Âu (52 tuổi), người ở trong nhà và là người cùng chung sống với cụ, làm con nuôi.

Kiện vì có cháu sao còn... nhận con nuôi - Ảnh 1.

Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu sau khi cụ Huệ mất vào tháng 8-2015 và để lại di sản. Một người cháu của cụ Huệ là chị Nguyễn Thị Huệ T. (51 tuổi) đã khởi kiện, yêu cầu hủy quyết định công nhận con nuôi của cụ Huệ. 

Ai mới là con nuôi?

Quyết định nhận con nuôi của cụ Huệ do UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp (nơi chị Bé Âu sinh sống) lập. Theo UBND xã Tân Hòa, xét đơn yêu cầu của cụ Huệ và giấy thỏa thuận của cha mẹ ruột chị Âu về việc cho chị Âu làm con nuôi cụ Huệ, năm 1999 UBND xã Tân Hòa ban hành quyết định công nhận cụ Huệ là mẹ nuôi của chị Bé Âu. 

Tuy nhiên, do UBND xã không có kho lưu trữ hồ sơ nên tất cả hồ sơ lưu trữ của các ngành sau khi kết thúc năm bỏ vào bao lưu trữ năm 1999. Trụ sở UBND xã nằm ven sông Cái Dứa, do sử dụng nền chợ cũ làm cơ quan nên ẩm thấp, hằng năm bị lũ nên hồ sơ lưu trữ bị ẩm ướt.

Năm 2000, UBND xã dời về địa điểm mới, do vận chuyển nhiều lần nên hồ sơ bị thất lạc, hoặc bị mối ăn hết không thể tìm được. Hiện hồ sơ chỉ còn lại bộ gốc sổ đăng ký nhận con nuôi có chữ ký của cha mẹ chị Bé Âu là bên giao con nuôi và chữ ký của cụ Huệ là bên nhận con nuôi.

Còn chị T. thì cho rằng chị mới là con nuôi của cụ Huệ. Bởi chị được cụ Huệ nhận về từ lúc mới sinh và sống cùng cụ đến ngày lấy chồng, còn chị Âu chỉ là người làm công, nội trợ cho gia đình chị. Chị T. không biết lý do tại sao chị Âu lại lập được thủ tục công nhận là con nuôi của cụ Huệ, trong khi chị Âu đã 31 tuổi. 

Đồng thời, chị T. cho rằng thời điểm này cụ Huệ đang sống cùng hai em ruột là cụ Nguyễn Văn C. (cha của chị T.) và cụ Nguyễn Thị Th., nên không phải người già neo đơn. Từ đó, chị T. khởi kiện và yêu cầu tòa án hủy quyết định công nhận con nuôi của UBND xã Tân Hòa.

Trong khi đó, chị Âu cho rằng chị biết cụ Huệ từ năm 1989 và sinh sống cùng cụ từ đó đến khi cụ Huệ mất. Năm 1999 cụ Huệ chỉ sống một mình, độc thân, già yếu nên chị làm con nuôi. Cụ Huệ đã về quê chị Âu để làm các thủ tục nhận con. 

Chị Âu cho rằng việc chị T. nói mình là cháu và được cụ Huệ nhận làm con nuôi là không đúng, bởi thực tế chị T. có sống chung với cụ Huệ nhưng đến năm 1992 chị T. đi lấy chồng và đã chuyển đi nơi khác. 

Tờ khai sơ yếu lý lịch năm 1999, cụ Huệ cũng khai chị Âu là con nuôi. Và khi cụ Huệ chết, chị Âu là người đăng ký khai tử.

3 lần kháng nghị, 2 lần giám đốc thẩm

Xử sơ thẩm, TAND huyện Lai Vung quyết định bác yêu cầu khởi kiện của chị T.. Không đồng ý, chị T. kháng cáo. Viện trưởng Viện KSND huyện Lai Vung cũng có kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Đồng Tháp chấp nhận đơn khởi kiện của chị T., hủy quyết định công nhận con nuôi của UBND xã Tân Hòa.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Viện KSND tỉnh Đồng Tháp đã rút kháng nghị. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên bác kháng cáo của chị T., giữ nguyên bản án sơ thẩm. Chị T. tiếp tục đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét lại bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị bản án nêu trên.

Xử giám đốc thẩm lần 1, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp và bản án sơ thẩm của TAND huyện Lai Vung, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại.

Sau đó, chị Âu có đơn đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán, đồng thời, UBND xã Tân Hòa cũng có công văn đề nghị TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trên.

Giữa năm 2019, chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

Xử giám đốc thẩm lần 2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cho rằng mặc dù hồ sơ lưu tại UBND xã Tân Hòa bị thất lạc nhưng căn cứ vào xác nhận của cán bộ đăng ký hộ tịch, của UBND xã Tân Hòa, UBND huyện Lai Vung, bộ gốc sổ đăng ký nuôi con nuôi... thì có cơ sở xác định UBND xã Tân Hòa đã thực hiện đúng thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi và lễ giao nhận con nuôi.

Việc chị T. cho rằng thời điểm cụ Huệ nhận chị Âu làm con nuôi, cụ Huệ không cô đơn vì đang sống cùng hai em ruột nhưng chị T. không cung cấp được chứng cứ chứng minh vào thời điểm này cụ C. và cụ Th. có đăng ký tạm trú tại căn nhà nơi cụ Huệ đang ở. 

Trong khi đó, Công an TP Vũng Tàu xác nhận tháng 1-1992, căn nhà nơi cụ Huệ sống còn một khẩu là cụ Huệ. Đến năm 1999 Công an TP Vũng Tàu đăng ký thường trú cho chị Âu vào số nhà trên, hộ có hai khẩu là cụ Huệ và chị Âu. Năm 2015, Công an TP Vũng Tàu xóa khẩu cụ Huệ vì cụ đã chết, hộ còn một nhân khẩu là chị Âu.

Hội đồng thẩm phán cũng cho rằng tại thời điểm nhận con nuôi, cụ Huệ 71 tuổi, chị Âu 31 tuổi. Căn cứ vào độ tuổi và sổ hộ khẩu cũng như xác nhận của Công an TP Vũng Tàu thì có cơ sở xác định cụ Huệ là người già yếu, cô đơn. Do vậy, cụ Huệ có đủ điều kiện để nhận chị Âu làm con nuôi.

Ngoài ra, thực tế chị Âu đã sống, làm công tại nhà cụ Huệ từ năm 1989, chính thức làm con nuôi cụ Huệ từ năm 1999, sinh sống cùng cụ Huệ đến khi cụ chết. Quá trình chung sống, cả hai không xảy ra mâu thuẫn, hành hạ hay ngược đãi. Cụ Huệ nhận chị Âu làm con nuôi trên tinh thần tự nguyện. Do đó, UBND xã Tân Hòa ban hành quyết định công nhận nuôi con nuôi giữa cụ Huệ và chị Âu là đúng quy định.

Chết rồi vẫn bị... giám định tâm thần

Trước khi chết, bà Huệ đến Phòng công chứng số 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công chứng hợp đồng tặng cho căn nhà bà đang ở và di chúc một căn nhà khác cũng ở TP Vũng Tàu cho chị Âu.

Sau khi bà mất, chị T. khởi kiện Phòng công chứng số 3 ra tòa yêu cầu tuyên hợp đồng tặng cho và di chúc của bà Huệ lập tại phòng công chứng này là vô hiệu. Lý do: căn nhà bà Huệ ở có công đóng góp của chị T., còn căn nhà còn lại bà Huệ không phải là người thừa kế duy nhất nên không được toàn quyền quyết định. Chị T. cho rằng tại thời điểm lập văn bản bà Huệ đã rất yếu do di chứng của tai biến, không minh mẫn...

Năm 2017, sau khi bà Huệ chết 2 năm, Viện pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa đã giám định trên hồ sơ bệnh án của bà Huệ và kết luận bà Huệ không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Sau đó, năm 2019, Viện pháp y tâm thần trung ương giám định tâm thần lại và kết luận tại thời điểm tặng cho tài sản và làm di chúc bà Huệ không bị tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Đến năm 2020, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.HCM giám định lần 2 theo trưng cầu của tòa án cũng kết luận tại thời điểm tặng cho và làm di chúc tâm thần bà Huệ bình thường.

Cậu nhận cháu làm con nuôi nhưng họ hàng không đồng ý cháu hưởng thừa kế Cậu nhận cháu làm con nuôi nhưng họ hàng không đồng ý cháu hưởng thừa kế

TTO - Được cậu ruột nhận về nuôi từ bé nhưng khi cậu mất, chị Trần Thị Bích Vân (41 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) trở thành người thừa kế thì rắc rối mới xảy đến.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên