Tuổi Trẻ trò chuyện với kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN nhân cuốn sách đầu tay của ông vừa ra mắt: Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại.
"Bác sĩ đô thị" miễn phí
* Sau khi nhận giải thưởng Khôi nguyên La Mã năm 1955, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tức phụ thân của ông, được chính quyền miền Nam trải thảm đỏ mời về làm quy hoạch. Ông có sự liên tưởng nào giữa cuộc trở về của Ngô Viết Thụ lúc đó với cuộc trở về của Ngô Viết Nam Sơn sau khi nhận bằng tiến sĩ quy hoạch kiến trúc tại Mỹ, làm tư vấn thiết kế và quy hoạch ở các thành phố tại Mỹ, Thượng Hải... không?
- Đây là một câu hỏi thú vị, trước đây tôi chưa từng liên tưởng tới điều này. Về mặt bối cảnh, cuối thập niên 1950, đất nước còn chiến tranh và bị chia cắt, cả hai miền chưa xây dựng được nhiều, trong khi đó cả châu Âu vẫn đang là một đại công trường xây dựng lại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Có thể nói việc cha tôi trở về đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội trở nên giàu có và nổi tiếng hơn ở xứ người.
Còn tôi sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và làm việc một thời gian tại nhiều nước ở Bắc Mỹ và châu Á thì việc trở về vào đầu thập niên 2010 là một chọn lựa khá thuận lợi.
Bởi đây là thời kỳ cả châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, đang là trung tâm của các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị trên thế giới.
Về mặt sự nghiệp, đối với cha tôi, ông rất bận rộn trong tư vấn thiết kế những dự án và công trình nên hiếm khi viết về những vấn đề quy hoạch kiến trúc và cũng chưa bao giờ giảng dạy tại đại học.
Còn tôi dù bản thân từ trước đến giờ tập trung công việc tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc nhiều hơn và cũng đã đạt một số thành tựu, nhưng hoàn cảnh khiến tôi dần dần buộc phải kiêm nhiệm thêm vai trò "bác sĩ đô thị" miễn phí (tên gọi thân tình của một số nhà báo khi họ phỏng vấn tôi).
Tôi vẫn dành thời gian khá nhiều cho việc viết báo, trả lời phỏng vấn, phát biểu tại các hội nghị quốc gia và quốc tế và giảng dạy tại các đại học trong nước và nước ngoài.
* Ông thường có những phản biện chuyên môn thẳng thắn về các bất ổn trong những quy hoạch mới gần đây ở các địa phương. Được biết có trường hợp ở một tỉnh nọ, nhà chức trách đã gọi điện đặt thẳng vấn đề nếu ông chịu im lặng trước một bản quy hoạch đầy bất cập mà họ sắp công bố thì họ sẽ dành cho ông được ưu tiên trong một dự án lớn khác của cùng địa phương. Ông nghĩ gì về những "thương lượng" như vậy?
- Khi đã chọn nguyên tắc khoa học, khách quan và bất vụ lợi trong những ý kiến cố vấn của mình, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận "thiệt hại" khi không thể "thương lượng" trái với nguyên tắc đó.
Tuy vậy, tôi luôn sẵn sàng đón nhận những đối thoại cởi mở thân thiện để giúp mọi người hiểu nhau và cùng chung tay với nhau. Đa số các bất cập xảy ra là do công tác quản lý đô thị chưa được tốt, nhưng cũng có khi do cả lãnh đạo địa phương lẫn nhà đầu tư đều chưa được tư vấn tốt.
Trong mọi tình huống, luôn luôn có giải pháp hiệu quả để nhà đầu tư vừa thu được lợi ích vừa thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình, giúp cộng đồng người dân khu vực xung quanh cùng chung hưởng thành quả theo hướng "win - win".
Đừng quá phấn khích với dự án tỉ đô hào nhoáng
* Từng làm nghề quy hoạch ở những đô thị phát triển (như San Francisco) cho đến những thành phố mới hoàn toàn (phố Đông Thượng Hải), từng khảo sát những mô hình đô thị lâu đời ở châu Âu và hiện nay lại đang tư vấn quy hoạch cho một số đô thị Việt Nam, ông thấy cái khó và cái dễ đối với một nhà quy hoạch trong việc áp dụng những điển cứu đô thị trên thế giới cho đô thị Việt Nam là gì?
- Cái dễ là chúng ta có thể tận dụng lợi thế của người đi sau, bởi vì đa số những vấn đề đô thị bức xúc hiện nay tại Việt Nam thường đã từng được giải quyết tốt ở đô thị nào đó trên thế giới, chúng ta có thể nghiên cứu chọn lọc lại những giải pháp phù hợp cho mình.
Cái khó là trái với điều người ta lầm tưởng, sẽ không thể có mô hình kiểu mẫu nào có thể ứng dụng cho mọi đô thị Việt Nam, sẽ không có một liều thuốc trị bá bệnh chung cho mọi đô thị bởi vì mỗi đô thị đều có đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, đất nước con người và nhu cầu đặc thù riêng về mặt bảo tồn, chỉnh trang và phát triển.
Do đó quy hoạch luôn cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đưa ra giải pháp riêng phù hợp với từng địa phương.
Do chưa hiểu được điều đó nên mới có chuyện xây dựng đô thị cao nguyên Đà Lạt dày đặc bê tông hóa như TP.HCM, chia cắt đô thị ven biển Phú Quốc theo hình thức phân lô nhà phố ở vùng đồng bằng, hoặc tham vọng xây dựng nhà cao tầng cao nhất Đông Nam Á trong vùng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long...
* Vậy trước "đề bài" quy hoạch một đô thị hiện nay, cần đặt nhân tố nào làm trung tâm?
- Tôi cho rằng một bản quy hoạch cần đáp ứng các nhu cầu và lợi ích chính đáng và rất riêng của mọi tầng lớp dân cư, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, từ nhà đầu tư và doanh nghiệp cho đến những tiểu thương buôn bán nhỏ, từ dân địa phương cho đến dân nhập cư... trong một tổng thể hài hòa với nhau và cung cấp nhiều cơ hội phát triển cho tất cả mọi người.
Trong mọi quyết định quan trọng của một địa phương, lẽ ra các nhà quản lý đô thị cần tâm niệm phải luôn đặt lợi ích của đại đa số người dân bình thường lên trên hết bởi vì họ đại diện cho số đông cần được bảo vệ quyền lợi nhất.
Nhưng ngược lại, điều đó thường không được quan tâm như quan tâm tới nhà đầu tư và doanh nghiệp có quyền lực và có năng lực tài chính.
* Gần đây không riêng gì Việt Nam, tin tức về những tổn thương của đô thị ở khắp nơi trên thế giới do biến đổi khí hậu, dịch bệnh... ngày càng tăng. Với các đô thị Việt Nam nói chung, cần một chiến lược nào để hướng đến đô thị bền vững và đáng sống?
- Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và một thời gian suy thoái kinh tế kéo dài, cho nên người dân đang có xu hướng sẵn sàng hy sinh mọi thứ để đạt lợi ích kinh tế. Chúng ta cần sớm chấn chỉnh lại việc này, để phát triển bền vững hơn, đừng để lòng tham khiến chúng ta phải trả giá đắt trong tương lai.
Không phải tự nhiên mà những khu vực phát triển đô thị nóng nhất hiện nay cũng đồng thời là những khu vực có nguy cơ cao nhất về ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, đời sống ngày càng ngột ngạt hơn.
Chiến lược phổ quát quan trọng nhất cho tất cả các đô thị Việt Nam gồm hai điểm chính. Thứ nhất là phải quản lý được quá trình phát triển trong tương quan hài hòa việc khai thác các điểm mạnh và các cơ hội mới với việc ứng phó trước các điểm yếu và các nguy cơ phát sinh trong quá trình đó.
Đừng quá phấn khích với những dự án tỉ đô hào nhoáng mà coi nhẹ việc đánh giá và xác định trách nhiệm xử lý phù hợp đối với các tác động tiêu cực về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... mà dự án có thể gây ra.
Thứ hai, cần chuẩn bị tốt các kịch bản ứng phó với những tác động có thể xảy ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... để chúng ta luôn nắm quyền chủ động trước mọi tình huống.
* Sau này khi không còn làm quy hoạch nữa, nếu được chọn sống bình yên ở một thành phố nào đó của Việt Nam, ông chọn gắn bó với nơi nào? Vì sao?
- Tôi dự định sau này sẽ không về hưu mà sẽ chỉ giảm dần khối lượng công việc tùy theo tình trạng sức khỏe của mình.
Với tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ thông tin ngày nay, cho dù sống ở đâu cũng có thể cống hiến đóng góp cho cộng đồng trong nước và nước ngoài.
Do vậy việc sống ở một thành phố nào tại Việt Nam hay ở nước ngoài trong tương lai đều có thể khả thi đối với tôi, miễn là nơi đó đem lại cho mình niềm vui sống và làm việc hằng ngày, bên cạnh người thân và những người bạn cùng chí hướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận