31/10/2013 08:23 GMT+7

Kiên quyết trảm tham nhũng

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - Một lần nữa, tham nhũng lại làm nóng nghị trường. Sở dĩ nói một lần nữa vì suốt nhiều năm qua, chủ đề này luôn được nhắc đến trên các diễn đàn - từ các kỳ họp Quốc hội, các cuộc hội nghị quốc tế đến các buổi gặp mặt với doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trên báo chí...

Có vẻ như Việt Nam không thiếu pháp luật, cũng không thiếu các công cụ phòng chống tham nhũng. Từ đầu thập niên 1990, Quốc hội đã ra nghị quyết về chống tham nhũng, rồi Bộ luật hình sự, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật cán bộ công chức... và nhất là Luật phòng chống tham nhũng ra đời nhằm phòng ngừa và chống tham nhũng. Việt Nam cũng có tòa án, viện kiểm sát, công an, vô số cơ quan thanh tra, hải quan, thuế..., có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Thế nhưng như trong chuyện cổ tích, tham nhũng giống như quái vật nhiều đầu, chặt đầu này nó lại mọc đầu khác, vẫn cứ sống nhơn nhơn, trơ tráo.

Thật ra về mặt kỹ thuật, dù khó nhưng việc lần ra nguồn gốc của tham nhũng hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan hữu quan. Tham nhũng tồn tại ở môi trường công quyền và “công tiền” - nảy nở ở những nơi tiền công quỹ nằm hớ hênh, không được canh giữ, quản lý chặt chẽ. Dù với hình thức nào thì đầu vào của tham nhũng vẫn là quyền lực, đầu ra của tham nhũng vẫn là tiền. Cứ nhắm vào những địa điểm có quyền lực, nắm nhiều tiền công quỹ mà kiểm soát để ngăn ngừa, không để xảy ra tham nhũng và cũng nhắm vào đó để kiểm tra, thanh tra, điều tra ra tham nhũng. Còn những giải pháp cụ thể hơn thì Việt Nam không thiếu.

Có điều là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có muốn và có dám làm tận nơi, tận chốn hay không. Còn nhớ ở Quốc hội khóa X, XI các đại biểu Quốc hội đã ví von “đánh từ vai trở xuống thì làm sao chống được tham nhũng?”, hoặc “quét cầu thang mà quét từ dưới lên thì làm sao sạch?”. Nếu ví luật là thanh bảo kiếm thì nó cũng chỉ là một công cụ vô tri vô giác nên dù có sắc bén đến đâu, nếu vẫn nằm yên, đó vẫn chỉ là thanh kim loại bắt mắt nhưng vô dụng. Bởi vậy chống tham nhũng phụ thuộc vào việc người được trao nắm giữ thanh bảo kiếm có rút kiếm, kiên quyết trảm những kẻ đáng trảm hay không. Hay là “nâng lên đặt xuống” rồi xử lý nội bộ, cho “chìm xuồng”. Nếu người được trao kiếm mà không chịu dùng kiếm hoặc dùng kiếm sai thì chỉ còn mỗi cách là phế truất, thu lại kiếm và trao cho người khác.

Như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, nếu những vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, mà chậm điều tra, xử lý sẽ tạo ra sự hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Nhà nước, dẫn đến sự bất công, bất ổn trong xã hội. Muốn có lòng tin của nhân dân, chỉ có một cách là làm. Đã có pháp luật, đã có các công cụ, có các giải pháp, biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm trong và ngoài nước. Bây giờ chỉ cần làm, làm một cách thật sự, minh bạch. Minh bạch để người dân nhìn thấy thanh kiếm của mình có được hạ xuống để trảm những kẻ tham nhũng không.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên