Phóng to |
TS Lê Hồng Sơn: “Chất lượng dự thảo kém quá, câu chữ ngô nghê, nội dung luộm thuộm” - Ảnh: TÂM LỤA |
Phóng to |
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: “Chúng ta đừng chỉ nêu nguyên nhân khách quan để bảo vệ mình”- Ảnh: T.L. |
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Bộ Tư pháp là “người gác cổng”, có trách nhiệm thẩm định đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình và dự thảo nghị định, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng. Hoạt động thẩm định là khâu cuối cùng trước khi dự thảo văn bản được chính thức trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản.
Với tầm quan trọng to lớn như vậy nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nhiều bộ ngành khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn xem nhẹ công tác thẩm định, coi đó chỉ là thủ tục “cần phải có”. Riêng Bộ Tư pháp với vai trò là “người gác cổng” vẫn còn lúng túng ngay cả trong khâu cân nhắc trình độ của cán bộ thẩm định.
Cần dũng cảm từ chối... thẩm định
Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho thấy có 67% ý kiến cho rằng công tác thẩm định còn khép kín, thành phần hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp thành lập chưa đầy đủ, chưa huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia. 86,9% ý kiến cho rằng công tác thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đáp ứng tiêu chí bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn, việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật chỉ mới dừng lại ở khía cạnh pháp lý, chưa mang tính tư vấn sâu sắc về nội dung.
Lý giải phần nào nguyên nhân của thực trạng này, TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết: “Luật quy định ngay từ khâu soạn thảo văn bản, các cơ quan phải mời Bộ Tư pháp tham gia thẩm định. Thế nhưng hiện nay đa số khi soạn thảo xong văn bản rồi mới “ném qua” Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Chúng ta phải tạo lập cơ chế tiền thẩm định, tham gia ngay từ giai đoạn soạn thảo, khi nào dự thảo có chất lượng thì chúng ta mới gật đầu đồng ý cho thẩm định, còn nếu không dứt khoát lắc là lắc”.
Bàn thêm về những bất cập trong thời gian thẩm định văn bản, TS Lê Hồng Sơn cho biết: “Có trường hợp buổi sáng tôi ngồi ở bộ đang soạn thảo dự thảo, buổi trưa xe chở tôi về cho bộ trưởng ký quyết định thẩm định, Văn phòng Chính phủ ký hồ sơ, tới chiều họ đã gấp rút trình lên Thủ tướng với lý do Thủ tướng đi nước ngoài, không thể chậm được. Vậy là trong một ngày vừa họp cho ý kiến, vừa thẩm định, vừa trình Chính phủ, làm sao dự thảo có chất lượng? Tôi rất hay bị cơ quan soạn thảo ép bảo anh có thẩm định không hay tính phá... chương trình phiên họp Chính phủ. Khi đó tôi phải cương quyết bảo chưa thẩm định được vì sản phẩm của họ gửi về Bộ Tư pháp yêu cầu thẩm định có chất lượng rất kém, câu chữ ngô nghê, nội dung luộm thuộm. Chúng ta phải dũng cảm từ chối thẩm định, việc từ chối phải quyết liệt và có bản lĩnh”.
"Nhiều cuộc họp ban soạn thảo của các bộ ngành mời tôi tham gia, khi tôi có ý kiến không đồng tình, họ liền gọi cho bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Tư pháp bảo sao hội nghị có 30-40 người, mấy chục cơ quan nhất trí hết mà chỉ một mình ông Sơn không đồng ý thẩm định. Bộ trưởng, thứ trưởng gọi cho tôi, tôi lại phải trình bày ý kiến đến 30 phút. Đã 3-4 lần tôi bị như vậy. Tại sao tôi phải cương quyết không thẩm định? Vì chất lượng dự thảo không đâu vào đâu, quan điểm chưa rõ, ý tứ chưa rõ, kỹ thuật soạn thảo còn lôm nhôm..." TSLê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) |
Đồng tình với những quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) chia sẻ thêm: “Tôi không hiểu sao thời gian gần đây các dự thảo gửi về Bộ Tư pháp yêu cầu thẩm định có chất lượng và cả nội dung không rõ ràng, càng ngày việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập càng kém, kỹ năng phát hiện vấn đề, xây dựng vấn đề chưa đảm bảo. Chúng ta cần nâng cao khả năng phân tích và hoạch định chính sách của cán bộ...”.
Theo ông Lê Đại Hải (phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế), nhiều văn bản pháp luật yêu cầu được thẩm định có tính chất chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật sâu, trong khi cán bộ của vụ lại không được đào tạo cơ bản về lĩnh vực chuyên môn. Ông Hải nhấn mạnh: “Một điều cần khẳng định là tất cả chuyên viên trong Vụ Pháp luật dân sự kinh tế cũng như các chuyên viên trong bộ đều là luật gia chứ không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học khác, do đó họ gặp không ít khó khăn khi phải góp ý cho các văn bản pháp luật thuộc ngành khoa học là lĩnh vực mà họ không được đào tạo cơ bản”.
Nghe các đại biểu trình bày những khó khăn trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, ông Trần Văn Quảng (vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp) phải thốt lên: “Với những lý do thế này thì khâu thẩm định văn bản quy phạm pháp luật không đạt chất lượng là... bình thường”.
Đừng chỉ nêu nguyên nhân khách quan
Điều hành hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhiều lần ngắt lời các đại biểu và yêu cầu phải tập trung vào các nội dung chính: “Chúng ta nói khâu thẩm định văn bản quy phạm pháp luật yếu về chất lượng, vậy yếu ở chỗ nào? Các đồng chí nêu nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân khách quan để bảo vệ mình, như vậy là không đúng tinh thần. Chúng ta phải tìm các nguyên nhân chủ quan, từ đó nêu các giải pháp nâng cao công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật”.
Ông Trần Văn Quảng đề xuất: “Hiện chưa có quy trình về công tác thẩm định, ai chịu trách nhiệm chính? Ai bắt đầu thẩm định đầu tiên? Nhiều trường hợp tôi thấy các đồng chí chuyên viên chuẩn bị xong đã vội trình lên lãnh đạo bộ mà thiếu sự phối hợp, kết hợp của các thành viên, vì thế khâu thẩm định không đạt chất lượng. Vấn đề thẩm định là tác chiến, thế nên cần tổ chức công việc, xác định trách nhiệm của người thấp nhất, người cao nhất”.
Một giải pháp được nhiều người ủng hộ là đề nghị Văn phòng Chính phủ kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ hoặc phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa tuân thủ quy trình thẩm định của Bộ Tư pháp. “Cần đổi mới cách thức tổ chức phiên họp thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo hướng công khai. Các phiên họp của hội đồng thẩm định nên để các cơ quan thông tấn báo chí dự, đưa tin về nội dung và các ý kiến đóng góp” - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận