Cơ quan chức năng lên tận lồng bè kêu gọi người dân lên bờ, ngừng mọi hoạt động trước 18h ngày 9-11 - Ảnh: MH
Chiều 9-11, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã đến từng lồng bè trên vịnh Vân Phong yêu cầu người nuôi trồng thủy sản vào bờ.
Hiện phần lớn lao động đã được đưa vào bờ nhưng chủ các lồng bè vẫn cử người ở lại trên lồng canh, giữ tôm cá nên yêu cầu của chính quyền địa phương là không được để lại người nào trên lông bè trước khi bão vào.
Tại cảng cá Vạn Giã (Vạn Ninh), các ngư dân tấp nập neo buộc các tàu bè để chuẩn bị lên bờ tránh bão. Những mẻ cá tôm cuối cùng cũng được đóng thùng để chuyển xe đưa đến các đầu mối, ngư dân lên bờ tạm nghỉ, neo buộc nhà cửa.
Hơn chục chiếc thuyền đang chuyển thức ăn cho tôm, cá đang nuôi ngoài lồng bè trước khi người cuối cùng vào bờ.
Khánh Hòa cấm biển từ 18h ngày 9-11 - Video: TRUNG TÂN
Tất cả người nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh phải lên bờ trước 16h chiều 9-11 - Ảnh: MH
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một lồng bè đang đưa thức ăn lên thuyền chở ra lồng bè, cho biết từ sáng 9-11, bộ đội, công an huyện và cơ quan chức năng đã ra tận lồng bè yêu cầu các chủ lồng cho người lao động vào bờ, cam kết không được quay lại lồng bè.
Hiện tất cả các lồng đã được chằng chống, neo vật nặng vào để chống chọi với bão, chỉ còn chủ ở lại canh và cho tôm cá ăn lần cuối, sau đó phải rời lồng vào bờ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, địa phương cấm tất cả các hoạt động trên biển trước 16h chiều 9-11. Tuy nhiên, hơn 16h chiều cùng ngày, canô của cơ quan chức năng vẫn rảo quanh các lồng bè, dùng loa phóng thanh yêu cầu người dân lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Các hoạt động cuối cùng tại cảng Vạn Giã lúc 16h chiều 9-11 - Ảnh: TRUNG TÂN
Canô du lịch cũng đã được đưa về bờ - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 1.337 tàu thuyền, hơn 39.000 lồng nuôi trồng thủy sản, hơn 60 bè nuôi hàu. Huyện đã vận động hơn 2.000 lao động đang làm việc tại các lồng bè vào bờ trú bão, kiên quyết không để người ở lại
Được biết, cơn bão số 12-2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho vùng nuôi trồng thủy sản vịnh Vân Phong. Trong đó nhiều người thiệt mạng do trốn lại canh giữ lồng bè trong bão.
Trên đảo Điệp Sơn, gió bắt đầu mạnh, bộ đội hỗ trợ người dân trên đảo chằng chống nhà, quán - Ảnh: TÂM AN
Chạy bão trên vịnh Xuân Đài
Ghi nhận tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), từ trưa nay, mưa lớn kèm gió mạnh đã xuất hiện.
Ông Dương Văn Đợi (46 tuổi, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu), cho biết đến thời điểm hiện tại, các lồng nuôi tôm hùm của gia đình đã được chằng chống, bảo vệ an toàn và cho người canh giữ lồng bè vào bờ trú bão.
"Nghe tin bão chuẩn bị vào, gia đình tôi đã ra bè nuôi thả lồng sâu xuống biển đồng thời thu hẹp các miệng lồng lại để tôm không bị trôi ra biển. Mọi công việc chống bão đến lúc này đã xong xuôi", ông Đợi nói.
Một ngư dân đang kéo dây cho thuyền vào bờ neo đậu tránh bão tại thị xã Sông Cầu - Ảnh: LÂM THIÊN
Trong khi đó, tại một điểm trú bão trên địa bàn thị xã Sông Cầu, nhiều tàu thuyền ngư dân cũng lần lượt nối đuôi nhau vào bờ neo đậu. Các thuyền viên nhanh chóng tháo ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt đem về nhà.
Theo ông Đỗ Văn Chính - phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Sông Cầu, kể từ 10h ngày 9-11, chính quyền địa phương đã lệnh cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, ven bờ, trong đầm, vịnh trên địa bàn.
Thị xã cũng kiên quyết di dời dân ở các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông suối, vùng trũng thấp, sạt lở và người trên tàu thuyền, lồng bè, ao đìa nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước 18h chiều.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ - Ảnh: NGỌC CHUNG
Đầu giờ chiều nay, Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ cũng phát thông báo thủy điện sẽ xả lũ với lưu lượng 1.000m3/s từ 13h.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận