Chủ sà lan và chủ tàu đối chiếu số lượng gạo mỗi lần múc vận chuyển từ sà lan lên tàu Hà Đông - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chiều 21-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh chuyện một số ý kiến địa phương và doanh nghiệp đề xuất nên giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho VFA hoặc các địa phương phân bổ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết đây chỉ là ý kiến của một vài cá nhân địa phương, doanh nghiệp và không giải quyết gốc rễ vấn đề.
Theo ông Kiên, trước việc hải quan cho mở tờ khai hải quan vào lúc nửa đêm, nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay khiến dư luận đặt vấn đề nghi ngờ không minh bạch, thông qua báo chí một vài địa phương và doanh nghiệp có đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương giao hạn ngạch xuất khẩu về cho VFA hoặc giao về cho các địa phương phân bổ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
"Tuy nhiên, theo tôi nên giữ nguyên cách điều hành nhiều năm nay đang áp dụng nghị định 107/2018/NĐ-CP. Bởi giao về cho VFA thì cũng sẽ bị cho là VFA nắm quyền nên "ưu ái" cho hội viên thuộc VFA.
Còn giao cho các tỉnh, thành theo sản lượng lúa cũng không ổn do tỉnh có sản lượng lúa lớn chưa chắc đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, vì thế chỉ cần áp dụng nghị định 107/2018/NĐCP điều hành công khai, minh bạch như các năm trước là ổn", ông Kiên nói.
Công nhân cảng Mỹ Thới - An Giang sắp xếp các bao gạo để đưa lên máy múc vận chuyển lên tàu Hà Đông chờ hoàn tất thủ tục xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU
Liên quan đến việc các doanh nghiệp đón nhận thông tin và triển khai thực hiện như thế nào sau chỉ đạo tháo gỡ của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho phép xuất khẩu thêm 100.000 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4, ông Kiên cho biết đang nắm thông tin từ các doanh nghiệp hội viên.
"Việc triển khai thực hiện các chỉ đạo này sẽ được lãnh đạo VFA báo cáo cụ thể vào cuộc họp với các bộ, ngành do Bộ Công thương chủ trì tại TP.HCM vào ngày 22-4", ông Kiên cho hay.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL - cho rằng theo tính toán của ông thì sau khi trừ lượng lúa cho an ninh lương thực, sản lượng gạo hàng hóa tại kho của doanh nghiệp vẫn còn 5-6 triệu tấn do vậy không lo thiếu gạo, vì thế việc Chính phủ mở thêm hạn ngạch 100.000 tấn gạo nữa trong tháng 4 là hợp lý.
"Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, nay giá gạo trên thị trường thế giới đang tốt thì Chính phủ cần mở cửa thông thoáng cho xuất khẩu cũng là cách hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Bảnh nói.
Một sà lan đang chuyển gạo sang tàu tại cảng Mỹ Thới, An Giang chờ làm thủ tục xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU
Xung quanh việc hải quan mở tờ khai vào nửa đêm khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo lao đao, kêu cứu khắp nơi, tiến sĩ Bảnh cho rằng đang có lỗ hổng trong điều hành xuất khẩu gạo cần được Chính phủ, các bộ, ngành chấn chỉnh.
Theo ông Bảnh, nếu phát hiện có việc "mớm" cho doanh nghiệp thân quen trong việc mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm thì nên hủy kết quả các tờ khai ngày 12-4 và mở lại thông báo rộng rãi cho tất cả doanh nghiệp tham gia, ưu tiên cho các doanh nghiệp đang có hàng hóa nằm tại cảng trước khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo của Chính phủ.
"Tôi nghĩ dù áp dụng điều hành xuất khẩu gạo theo nghị định 107/2018/NĐCP, hay áp dụng hình thức điều hành nào khác, thì việc điều hành phải hết sức công khai, minh bạch, dứt khoát Chính phủ đừng để xuất khẩu gạo trở lại thời kỳ lộn xộn xin - cho quota như năm 2008", ông Bảnh đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận