13/07/2018 20:11 GMT+7

Kiến nghị ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 4.0

T. HÀ
T. HÀ

TTO - Các doanh nghiệp công nghệ 4.0 muốn được hưởng chính sách ưu đãi như các chính sách mà Samsung đang được hưởng khi đầu tư vào Việt Nam sản xuất công nghệ cao.

Kiến nghị ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về các công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt tại Industry 4.0 Summit - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là kiến nghị của doanh nghiệp (DN) Việt Nam với Chính phủ tại diễn đàn Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit) diễn ra tại Hà Nội ngày 13-7.

Theo đại diện các DN công nghệ lớn của Việt Nam, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam đi nhanh hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực, nhất là là nhân lực về trí tuệ nhân tạo (AI) vì trên thế giới hiện chỉ có 10.000 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, còn riêng Việt Nam mới có khoảng 200 nhà khoa học dữ liệu lớn (big data)... 

Vì vậy, các DN đề xuất với Thủ tướng những giải pháp để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Đó là các trường ĐH cần chuẩn bị đội ngũ giảng viên về hai chuyên ngành trí tuệ nhân tạo  và dữ liệu lớn.

Để giải quyết tình trạng rất khan hiếm nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, theo ông Nguyễn Trung Chính, chủ tịch tập đoàn CMC, "chúng ta cần giải quyết được hai vấn đề: Một là làm thế nào phát huy được việc dạy và học toán, ở đây là toán ứng dụng và hai là tiếng Anh - là kiến thức và kỹ năng quan trọng mà công nghệ 4.0 cần".

"Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT, khuyến khích mọi thành phần tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Tôi rất muốn Chính phủ có chính sách miễn giảm thuế, đất đai, tín dụng… cho giáo dục đào tạo để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đặc biệt là cho tư nhân được tham gia thành lập trường hay có những cơ sở đào tạo vì hiện nay với yêu cầu đỡ khắt khe hơn"- Ông Chính đề xuất.

Chia sẻ quan điểm này, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup, cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thức là nguồn nhân lực rất quan trọng, cho nên tập đoàn cũng đi đến quyết đầu tư hơn 10 triệu đô la vào trường dạy nghề. 

Đây sẽ là cái nôi cho những kỹ thuật viên công nghệ 4.0 cho tương lai, không những chỉ đáp ứng cho nhu cầu của Vinfast mà chúng tôi hy vọng rằng, nó sẽ tạo ra sự tiên phong để thúc đẩy nhận thức và làm rõ hơn, xây dựng những chương trình học đi đôi với hành và tiến bộ công nghệ 4.0 là nền tảng cho tương lai sắp tới".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện để mỗi người dân và doanh nghiệp có cơ hội phát triển số nhanh hơn trong quá khứ. 

Chính phủ cần có chiến lược phát triển công nghệ 4.0, trong đó thúc đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tin tưởng giao cho các DN tư nhân tham gia vào công việc này, vừa giúp tạo cầu thị trường ứng dụng CNTT vừa đồng thời giúp cho môi trường kinh doanh được tự do thông thoáng với chi phí cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Kiến nghị ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 4.0 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt mang đến Industry 4.0 Summit nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ cao

"Trong đó, các DN công nghệ 4.0 cần được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN như các chính sách mà Samsung đang được hưởng"- đại diện các DN kiến nghị. 

Theo ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, "nền kinh tế mới sẽ đòi hỏi một khung khuôn khổ pháp lý khác thì chúng ta phải đi trước. Nếu chúng ta làm trước một bước thì rất nhiều tổ chức Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế sẽ thấy Việt Nam như 1 điểm đến hấp dẫn 4.0".

Ông Nguyễn Trung Chính đề xuất cụ thể: "Chính phủ có chính sách cho các DN đầu tư vào những lĩnh vực Công nghệ 4.0 (big data, AI…) được hưởng các ưu đãi như các DN công nghệ cao và được hưởng chính sách thuế tương tự với doanh nghiệp nước ngoài như Samsung. Đồng thời, được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của  pháp luật về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu". 

"Chính sách này nên áp dụng cho bất kỳ DN nào kể cả trong và ngoài nước sẽ thu hút được lượng lớn DN từ nước ngoài cũng như nguồn lực và trí lực trong nước đầu tư vào lĩnh vực này" - Ông Chính khẳng định.

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "chúng ta phải tìm một sự khác biệt để nâng cao tốc độ áp dụng cách mạng này, đặc biệt là giới KHCN và DN để có thể tiến bước cùng với những nước phát triển hàng đầu trong khu vực Asean".

70 công việc có nguy cơ bị thay thế, giáo dục phải thay đổi

TTO - Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động, nhân sự nhiều ngành nghề bị đe dọa. Việc đào tạo buộc phải thay đổi từ chương trình đến phương pháp, nếu không sẽ bị tụt hậu rất xa.

T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên