12/08/2011 12:24 GMT+7

Kiến nghị trục xuất nếu không đủ hồ sơ

V.SỰ - T.TÂN - Đ.PHƯƠNG
V.SỰ - T.TÂN - Đ.PHƯƠNG

TT - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội Đắk Nông, sau bài viết “Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ (Đắk Nông): phần lớn không có bằng cấp”.

Read this on Tuoitrenews.vn

sKYr9vio.jpgPhóng to
Một công nhân Trung Quốc làm việc trên công trình thủy điện Sông Bung 4 - Ảnh: V.Hùng
E71t1XKM.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Đức Nguyên - Ảnh: Trung Tân

Ông Nguyên cho biết:

- Thời hạn tối đa để cơ quan chức năng Đắk Nông “chờ đợi” số lao động không phép người Trung Quốc này hoàn chỉnh bằng cấp và lý lịch tư pháp là hai tháng kể từ ngày 5-8 (ngày phát hiện số lao động Trung Quốc không phép - PV). Sau đó nếu ai không đủ điều kiện cấp phép lao động, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công an trục xuất khỏi Việt Nam.

Khó kiểm soát chất lượng lao động

* Trực tiếp kiểm tra ở công trường Nhà máy alumin Nhân Cơ, ông có nhận định gì về những việc mà lao động Trung Quốc đang làm?

- Tôi không khẳng định họ là lao động giản đơn, vì tôi không cấp phép cho lao động giản đơn nào cả. Nhưng qua kiểm tra tại công trình, đúng là rất nhiều lao động Trung Quốc làm những việc rất đơn giản như cột dây thép, ráp giàn giáo, uốn sắt như Tuổi Trẻ nêu... Tôi đặt vấn đề với nhà thầu, họ xác nhận đó là việc giản đơn nhưng bố trí ai làm là việc của họ. Có một số việc lao động Việt Nam làm không được như lắp giàn giáo móng ở độ sâu hàng chục mét, làm việc liên tục 15, 16 tiếng/ngày, đồng thời tính kỷ luật của công nhân Việt Nam không cao bằng.

* Chủ trương của Nhà nước ta là không cho phép đưa lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam, vì sao lại có đến 193 lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhân Cơ?

- Cần phải nói dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ là dự án EPC (thầu trọn gói). Người ta coi nó giống như một gánh hát: có kép chính, kép phụ, kéo phông, bưng bê... Bởi thế nhà thầu Chalieco cũng có kỹ sư, công nhân, lái xe, tạp vụ...

Về nguyên tắc, đúng là không cấp phép cho lao động giản đơn ngoài nước nhưng luật lại có thêm hướng mở là cho phép lao động có thâm niên năm năm kinh nghiệm. Chữ “kinh nghiệm” này rất trừu tượng, kinh nghiệm lao động phổ thông hay kỹ thuật không thấy nói. Việc xác nhận lao động có kinh nghiệm lại hoàn toàn do nước mà lao động mang quốc tịch xác nhận, đơn vị cấp phép lao động chỉ biết căn cứ vào đấy để cấp phép. Nếu chỉ kinh nghiệm ba năm nhưng họ xác nhận năm năm thì cũng chịu. Mình đâu thể qua nước họ để kiểm tra được, “chết” là ở chỗ ấy! Ngay cả các kỹ sư, chuyên gia chúng tôi chỉ có bản công chứng của Trung Quốc, bản dịch của tư pháp. Còn bằng thật, chúng tôi không thấy.

Có lỗi của cơ quan quản lý

* Ban quản lý dự án alumin Nhân Cơ xác nhận số lao động Trung Quốc không có giấy phép luôn dưới 50%. Ông có thấy bất thường?

- Có hai nguyên nhân: do lao động Trung Quốc không có lý lịch tư pháp và chứng minh bằng cấp chuyên môn. Lao động Trung Quốc cứ lý giải là khi đi làm ở nước ngoài không khi nào mang theo chứng nhận bằng cấp. Nhưng chúng tôi kiên quyết, sau một tháng không bổ sung sẽ xử phạt, nếu không bổ sung được sẽ kiến nghị trục xuất. Còn lao động không phép cao là do ban quản lý dự án alumin không báo cáo sớm, theo quy định có lao động đến là ban quản lý phải báo.

* Vậy nếu ban quản lý dự án alumin không báo cáo thì mình cũng không biết?

- Có biết chứ, vì chúng tôi có kiểm tra.

* Vậy tại sao có tới 172 lao động Trung Quốc không có giấy phép tại Nhân Cơ, nhiều người đã đến Nhân Cơ 4-5 tháng mới phát hiện?

- Thật ra không phải lúc nào chúng tôi cũng bám theo các công trường, thanh tra lao động của sở chỉ có bốn người. Nhưng qua việc này chúng tôi thừa nhận là có sự chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ. Vừa rồi chúng tôi có chấn chỉnh rất nhiều, không chỉ riêng Sở Lao động - thương binh & xã hội, cả các sở, ban ngành khác cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt với những sai phạm của các lao động Trung Quốc.

Kiên quyết xử lý

Đánh giá về tình hình lao động Trung Quốc tại công trình xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ, bà Bùi Thị Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - nói:

- Trong cuộc họp giao ban mới đây, UBND tỉnh có giao Sở Lao động - thương binh & xã hội kiểm tra, rà soát số lượng lao động chưa được cấp phép, có vi phạm gì không để có hướng xử lý. Nếu họ vi phạm, không thực hiện cam kết, quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết xử lý, nhưng trước mắt là xử lý hành chính...

* Với một dự án lớn như xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ nhưng lao động địa phương ít có cơ hội làm việc, bà đánh giá thế nào về việc này?

- Tôi không bình luận về góc độ cá nhân. Cần nói thêm, khi các nhà thầu hợp đồng với mình đều có những cam kết, ràng buộc về mọi mặt, vì vậy trách nhiệm của địa phương là theo dõi họ làm có đúng cam kết hay không để nhắc nhở, điều chỉnh. Tuy phải làm chặt chẽ nhưng cần có tinh thần xử lý hài hòa.

V.SỰ - T.TÂN - Đ.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên