Tàu Đức Đạt 6666 chở gạo chờ xuất khẩu, đã neo đậu tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang từ 31-3 đến nay, mỗi ngày thiệt hại trên 45.000 USD - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24-3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4.
Theo phản ảnh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng lượng gạo đang được lưu giữ tại khu vực các cửa khẩu là 146.453 tấn, số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.
Việc gạo tồn ở cảng sẽ được doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan xác nhận trước khi cho xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu, không bao gồm gạo nếp và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu; trên cơ sở đó giao Bộ Công thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng phê duyệt.
Tổng cục Hải quan đề xuất triển khai một trong các phương án sau:
Phương án 1: Giao Bộ Công thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công thương triển khai), theo đó bộ này công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá.
Các doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại nghị định 107 hoặc đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ nhà nước khu vực.
Đồng thời, doanh nghiệp phải ký thỏa thuận với tối thiểu 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu, thì sẽ được giải quyết thủ tục xuất khẩu.
Phương án 2: Giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại nghị định số 107 năm 2018.
Để đảm bảo công khai, minh bạch cũng như cần có thời gian để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống khi ban hành quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công thương cần thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết và thực hiện.
Cách giao hạn ngạch của Bộ Công thương khiến doanh nghiệp bị động
Cũng trong thông cáo trên, Tổng cục Hải quan cho rằng doanh nghiệp không chủ động được phương án kinh doanh khi thực hiện quyết định 1106 ngày 10-4 của bộ trưởng Bộ Công thương về hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo.
Bởi qua theo dõi, thống kê năm 2019, cả nước đã có 257 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo với tổng lượng xuất khẩu là 6,37 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,81 tỉ USD.
Theo báo cáo của Bộ Công thương đến ngày 27-3, tổng lượng gạo các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng là hơn 1,57 triệu tấn và các doanh nghiệp ngoài hiệp hội là 910 tấn. Đáng chú ý, trong đó lượng gạo phải giao từ nay đến 31-5 là gần 1,39 triệu tấn.
Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, nhu cầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp là rất lớn, với 257 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong khi tổng lượng được xuất khẩu trong tháng 4 chỉ là 400.000 tấn.
Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được.
Chính vì vậy, nếu quy định nguyên tắc quản lý hạn ngạch như hiện nay, nhất là hạn ngạch cấp theo tháng và doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước thì được xuất khẩu trước đến khi hết hạn ngạch, dẫn đến doanh nghiệp sẽ bị động trong việc quyết định phương án kinh doanh.
Thêm nữa, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác khi chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không.
Trường hợp ký hợp đồng có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu container, hàng tồn kho,…
Những rủi ro trên đây cùng với việc không đăng ký được tờ khai xuất khẩu cũng gây ra bức xúc cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận