Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi với báo chí sáng 31-5 - Ảnh: TIẾN LONG
Ông Vũ Hồng Thanh là phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018".
Không đủ thời gian trình bày dự án sai phạm
* Thưa ông, tại sao trong báo cáo về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của Đoàn giám sát tối cao Quốc hội lại không chỉ rõ danh sách gần 1.400 dự án điều chỉnh nhiều lần, có dấu hiệu tùy tiện, phá nát quy hoạch?
- Báo cáo trên hội trường chỉ là báo cáo tóm tắt. Còn trong báo cáo đầy đủ có danh sách các dự án vi phạm, Chính phủ biết hết cả rồi. Thời gian ngắn chúng tôi không thể trình bày hết được.
* Đoàn giám sát có gặp khó khăn, cản trở gì từ địa phương và doanh nghiệp khi giám sát không?
- Không. Làm sao mà cản trở được. Đợt này các địa phương rất nghiêm túc, hầu hết đều cử Chủ tịch ủy ban, Chủ tịch HĐND làm việc với đoàn.
* Sau báo cáo, việc kiến nghị xử lý sai phạm đối với các dự án như thế nào?
- Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chỉ ra trách nhiệm về chính trị, còn trách nhiệm về dân sự, hình sự thì đã có thanh tra và cơ quan điều tra. Ví dụ chỗ dự án Khu đô thị Linh Đàm, khi làm việc với đoàn, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói phải cho cơ quan điều tra vào.
Hiện chúng tôi đang kiến nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết nội dung giao cho Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra các dự án nằm trong danh sách của đoàn giám sát để làm rõ và xử lý các vi phạm. Vụ việc nào đã chuyển cơ quan điều tra thì điều tra làm rõ để báo cáo Quốc hội ở kỳ họp cuối năm 2020.
Kiến nghị thu hồi đất sử dụng sai mục đích
* Quan điểm xử lý của đoàn giám sát như thế nào, thưa ông?
- Rất nhiều dự án, công trình được giám sát đợt này cho nên đoàn giám sát không thể đưa ra cụ thể, chi tiết kiến nghị xử lý từng dự án mà chỉ đưa ra nguyên tắc chung giải quyết.
Sau này khi cơ quan thanh tra, điều tra vào cuộc sẽ làm rõ sai phạm của từng dự án, cũng như trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.
Chúng tôi sẽ kiến nghị có cơ chế chung, ví dụ các doanh nghiệp sau cổ phần hóa sử dụng đất không đúng quy định, không đúng phương án sử dụng đất phê duyệt thì kiến nghị thu hồi, không để lợi ích của nhà nước rơi vào tay các đơn vị cổ phần hóa.
* Thực tế có những dự án sai phạm nhưng hiện đã có người dân vào sinh sống, việc giải quyết chắc sẽ khó khăn?
- Những trường hợp này khó để phá dỡ nhà người dân. Đáng lẽ đúng thì phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước rồi mới xây nhà ở sau. Nhưng giờ xây như vậy rồi thì chỉ còn cách kiến nghị bổ sung, cải thiện hạ tầng.
* Tại buổi thảo luận hội trường, có nhiều đại biểu tranh luận về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, phá nát quy hoạch, là thành viên đoàn giám sát, ông có ý kiến gì thêm không?
- Sắp tới chúng tôi phải thẩm tra việc triển khai Luật Quy hoạch, hiện vướng nhiều nhất vẫn nằm ở khâu tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận