Ngày 1-4, ông Cao Thế Trọng - phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Khánh Hoà (BIDV Khánh Hoà) - cho biết đơn vị này vừa gửi văn bản đến UBND tỉnh Khánh Hoà đề nghị xem xét không cho phép tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 xuất bến khi chưa trang bị đầy đủ bảo hiểm thân tàu theo quy định.
Đối với trường hợp các khách hàng không có thiện chí trả nợ, BIDV Khánh Hoà sẽ thực hiện các biện pháp xử lý nợ (thu giữ tàu, khởi kiện, phát mãi tài sản...). BIDV Khánh Hoà cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà hỗ trợ cho ngân hàng điểm neo đậu tàu trong thời gian chờ xử lý tài sản thu hồi nợ vay theo quy định.
Theo BIDV Khánh Hoà, đề xuất trên xuất phát từ tình hình các khoản vay hiện tại: Ngân hàng này đã cho vay đóng mới 9 tàu cá composite và cho vay cải hoán 1 tàu gỗ, cả 10 con tàu đã đi vào khai đánh bắt ổn định. Tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 76 tỉ đồng, dư nợ hiện tại là 70,1 tỉ đồng.
Bên cạnh một số ít tàu đang hoạt động có nguồn để trả nợ, vẫn còn một số tàu hoạt động không hiệu quả, không có tiền trả nợ ngân hàng đầy đủ và đúng hạn. Cho đến thời điểm này, dư nợ xấu theo chương trình cho vay theo Nghị định 67 tại BIDV Khánh Hoà tăng mạnh (khoảng 50% tổng dư nợ).
Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, BIDV Khánh Hoà cho biết.
Cũng theo BIDV Khánh Hoà, trước đây theo quy định chủ tàu được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm, nhưng theo quy định mới số tiền hỗ trợ còn lại là 50%. Do đó, một số chủ tàu phản ứng chưa chịu mua bảo hiểm hoặc mua không đủ giá trị tàu.
BIDV Chi nhánh Khánh Hoà kiểm tra tàu cá đóng theo NĐ 67 - Ảnh: THÁI THỊNH chụp lại
Cùng ngày, lãnh đạo Sở NN&PTNN Khánh Hoà cho biết vừa qua đã tổ chức cuộc họp giữa BIDV Khánh Hoà với các ngư dân cũng như các ban ngành địa phương để tìm biện pháp tháo gỡ cũng như phân tích, động viên ngư dân trả nợ.
Tại cuộc họp này, BIDV Khánh Hoà đã đưa ra các biện pháp tạo điều kiện cho các ngư dân như kéo dài thời hạn vay, chấp thuận một thời gian trả chậm, cho vay vốn lưu động…
Và sau cuộc họp, NH đã có các biên bản làm việc cụ thể với từng khách hàng xác định lộ trình trả nợ quá hạn (trả chậm hơn so với hợp đồng tín dụng), thực hiện kiểm kê tài sản với sự chứng kiến của Chi cục thuỷ sản, Ngân hàng Nhà nước, Bộ đội biên phòng.
Nhưng theo BIDV Khánh Hoà qua cuộc họp này, cùng với các biện pháp tạo điều kiện phía NH thì ý thức trả nợ ngư dân được cải thiện nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đến nay tình trạng báo lỗ của các chủ tàu thường xuyên và liên tục.
Phú Yên ngưng cho tàu "67"xuất bến khi chưa mua bảo hiểm thân tàu
Liên quan đến việc "Triển khai thực hiện phối hợp thu hồi nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67/2014/NĐ-CP", UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa có văn bản chỉ đạo gửi các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng các đơn vị trực thuộc.
Theo đó, để hỗ trợ NH thương mại trong việc quản lý nguồn thu của các chủ tàu vay vốn đóng mới nâng cấp theo NĐ 67 và bảo toàn nguồn vốn, hạn chế phát sinh nợ xấu, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Bộ đội biên phòng tuyến biển không thực hiện thủ tục xuất bến cho các tàu cá đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67 nhưng không có bảo hiểm thân tàu còn hiệu lực và có biện pháp không để các tàu cá này xuất bến trái phép.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, sau 3 năm triển khai NĐ 67 của Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh đã cho vay đóng mới, nâng cấp 24 tàu (trong đó 19 tàu đóng mới và 5 tàu nâng cấp) với số tiền giải ngân theo chương trình đạt 280,926 tỉ đồng, thu nợ được 12,039 tỉ đồng, dư nợ cho vay 268,887 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Chi nhánh ngân hàng thương mại cho vay theo NĐ 67, đã xảy ra tình trạng chủ tàu chây ì, không tự giác trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nhiều chủ tàu không thực hiện mua bảo hiểm khi xuất bến đã phát sinh nhiều rủi ro cho ngân hàng và chủ tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận