Tại tọa đàm, các đại biểu kiến nghị tái tạo tháp Báo Thiên và tái hiện không gian văn hóa thời Lý ở Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Kiến nghị được đưa ra tại tọa đàm khoa học ‘Di sản Phật thời Lý với Thăng Long - Hà Nội’ do hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu tôn giáo tổ chức ngày 9-10 tại Hà Nội.
Theo hòa thượng, tiến sĩ Thích Gia Quang - phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một khi 4 biểu tượng của linh khí quốc gia (An Nam tứ đại khí) được khôi phục thì ý nghĩa của việc kỷ niệm các sự kiện Thăng Long - Hà Nội từ nay đến năm 2030 sẽ càng lớn hơn.
Phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn kiến nghị các cơ quan chức năng của trung ương và thành phố Hà Nội cần hệ thống lại các di sản thời Lý đã khảo cổ và đẩy mạnh làm rõ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của các chứng tích đó để có một chiến lược quốc gia trong quy hoạch, khôi phục các di sản vật thể và phi vật thể thời nhà Lý từ nay đến năm 2030.
Ngoài ra, hòa thượng cũng kiến nghị phải chú trọng phát huy giá trị phi vật thể từ thời Lý, trong đó có văn hóa Phật giáo, bởi trong đó có nhiều triết lý nhân sinh cao đẹp, nhân bản.
"Sự hấp dẫn của vật chất, văn hình kích dục càng nhiều, sự hưởng thụ khoái lạc và vật chất hiện ngày càng cao, vì thế nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh, làm cho luân thường, đạo đức ngày càng xuống cấp, gây bất ổn cho gia đình và xã hội.
Thiết tưởng chúng ta cần phải thúc đẩy phát huy mạnh hơn nữa tinh hoa văn hóa Thăng Long - văn hóa Phật giáo vào công cuộc xây dựng đất nước góp phần ổn định xã hội hiện nay", hòa thượng Thích Gia Quang nói về việc cần thiết phổ biến các giá trị cao đẹp của Phật giáo vào trong xã hội.
Còn PGS.TS Chu Văn Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - kiến nghị Hà Nội xem xét tái hiện không gian văn hóa thời Lý nói chung, tái hiện các di sản Phật giáo thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long nói riêng, để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của Thăng Long nghìn năm văn hiến.
PGS.TS Chu Văn Tuấn gợi ý có thể tái hiện không gian văn hóa thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long.
Ông Tuấn cũng kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo việc gìn giữ, bảo tồn các di sản Phật giáo thời Lý hiện có, tiếp tục tìm kiếm, phát hiện các di sản Phật giáo thời Lý tại Thăng Long - Hà Nội.
Các ý kiến tham luận khác tại tọa đàm như của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, thượng tọa Thích Đức Thiện, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và các nhà nghiên cứu tôn giáo, các chuyên gia về khảo cổ học, di sản văn hóa cùng tập trung nhấn mạnh vào khẳng định, tôn vinh vai trò của triều Lý và Phật giáo thời Lý trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận