Thi công đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: UÔNG DŨNG
Đây là sự thay đổi đáng chú ý trong tờ trình lần thứ 3 của Chính phủ vừa gửi Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020,
Trước đó, ngày 14-5, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội kiến nghị chuyển 8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sau đó, ngày 25-5, Chính phủ tiếp tục có tờ trình xin ý kiến Quốc hội 3 phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm: chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công; chuyển 5 dự án PPP sang đầu tư công, 3 dự án đầu tư PPP và chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công, 5 dự án đầu tư PPP.
Ngày 29-5, Bộ Chính trị đã họp và đồng ý điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 từ hình thức thức đầu tư PPP sang đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Sau phiên họp thứ 45, ngày 3-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ là chuyển 3 dự án PPP gồm: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang hình thức đầu tư công 100% vốn nhà nước.
Dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là một trong 3 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang được thi công - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Chính phủ cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được cập cập nhật, phê duyệt bước nghiên cứu khả thi là 102.513 tỉ đồng.
Nếu chuyển 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết -Dầu Giây từ PPP sang đầu tư công sẽ loại bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng và cập nhật chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu triển khai thực tế của các địa phương, tổng mức đầu tư của dự án còn khoảng 100.816 tỉ đồng.
Với phương án chuyển đổi 3 dự án trên sang đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước cho toàn bộ dự án khoảng 78.461 tỉ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước đã bố trí 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 52/2017/QH14; phần vốn còn thiếu khoảng 23.461 tỉ đồng, Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định theo đúng quy định của Luật đầu tư công.
Với phần vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng để đầu tư 5 dự án PPP còn lại, nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định.
Nếu Quốc hội thông qua, dự kiến các dự án này sẽ khởi công một số gói thầu từ tháng 9- 2020 và khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10 và 11 - 2020.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai toàn bộ các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận