Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng nêu nội dung kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ngày 13-9 - Ảnh: MỸ DUNG.
Ngày 13-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi khảo sát về tình hình thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2014/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022 tại quận 6 và quận Tân Phú.
Tại quận 6, bà Phạm Thị Phương Hồng - hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây - cho biết sau một năm thực hiện chương trình phổ thông mới lớp 6, nhà trường vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm. Một số giáo viên lớn tuổi chưa bắt kịp ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhưng sau một thời gian thì việc tiếp cận đã dễ dàng và thành thạo hơn.
"Để thực hiện Chương trình phổ thông 2018 đạt hiệu quả, tôi kiến nghị Bộ Tài chính cần quan tâm cung cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị cho trường học. Tôi cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng chương trình giáo dục mới. Vì hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo chính quy các môn như: lịch sử, địa lý, hoạt động trải nghiệm…
Trường thực hiện Chương trình phổ thông 2018 bằng cách tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để dạy các môn đó mà chưa có giáo viên chính quy. Tôi cũng đề nghị với HĐND, UBND TP.HCM kịp thời đưa ra chương trình giáo dục địa phương để các trường dạy vì đến nay các trường vẫn chưa nhận được, tránh trường hợp như năm ngoái, đến học kỳ 2 mới có chương trình giáo dục địa phương để dạy" - bà Phạm Thị Phương Hồng nêu ý kiến.
Bà Phạm Thị Phương Hồng - hiệu trưởng THCS Bình Tây quận 6 - báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG
Đánh giá quận 6 là đơn vị thực hiện tốt chương trình phổ thông mới, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) - thừa nhận quận cũng gặp những khó khăn chung trong việc thực hiện Chương trình phổ thông 2018 như vấn đề tuyển dụng giáo viên bộ môn tin học, ngoại ngữ…
Ông Hoàng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có sách giáo khoa tiếng Hoa và tiếng Pháp để học sinh học, đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh TP.HCM về hai môn ngoại ngữ này. "Các em học sinh tiểu học tại TP.HCM đã học tiếng Pháp và tiếng Hoa rồi, đừng bắt học tiếng Anh nữa vì các em không có nguyện vọng này" - ông Hoàng kiến nghị.
Theo tìm hiểu của phóng viên, TP.HCM hiện có 5 trường tiểu học dạy tiếng Pháp làm ngoại ngữ 1 và 11 trường tiểu học dạy tiếng Hoa, với khoảng 4.000 học sinh.
"Chương trình phổ thông 2018 triển khai đến nay được 3 năm nhưng chưa có sách giáo khoa tiếng Pháp và tiếng Hoa. Ngành giáo dục TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ hoặc cho phép TP.HCM triển khai mô hình đặc thù của TP.HCM, đáp ứng nguyện vọng của học sinh", ông Hoàng nói với Tuổi Trẻ.
Trước thực tiễn của quận 6, bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ghi nhận những kết quả quận đạt được trong thực hiện 2 nghị quyết này. "Đề nghị quận kiểm tra, thanh tra chương trình giáo dục phổ thông mới ở các cơ sở giáo dục, làm sao để chương trình giáo dục phổ thông mới đạt thực chất, không nặng thi đua thành tích, không phải áp lực thi đua" - bà Tuyết kết luận.
Tại quận Tân Phú, bà Trịnh Thị Mai Trinh - phó chủ tịch UBND quận Tân Phú - cho biết sau thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới, quận Tân Phú đề xuất TP.HCM sớm phê duyệt chủ trương đầu tư mới trường học, tăng cường ngân sách cho giáo dục và đặc biệt là xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa, nội dung giáo dục địa phương... để nhà trường tiếp cận sách giáo khoa mới ngay khi kết thúc năm học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận