Chiều 19-10, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục họp bàn các nội dung dự thảo kế hoạch điều tiết mực nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim, dự án sản xuất lúa sinh thái gắn với đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Theo kế hoạch phục hồi hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim dự kiến thí điểm hai năm 2024 - 2025, hạ mực nước của vườn ở các phân khu A1, A4, A5 xuống mức 125 - 155cm. Sau khi cải tạo lớp thực bì, cày trục tạo độ tơi xốp và giảm độ pH cho đất, quan trắc theo dõi môi trường từ 1 đến 8 tháng.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Vườn quốc gia Tràm Chim kiến nghị lập thêm 5 chốt bảo vệ với 100 chiến sĩ hỗ trợ ứng trực bảo vệ rừng trong 6 tháng mùa khô giai đoạn điều tiết mực nước.
Trước đó ngày 15-9, UBND tỉnh Đồng Tháp đã lấy ý kiến chuyên gia việc hạ mực nước tại Tràm Chim. Các chuyên gia đều cho rằng để phục hồi hệ sinh thái vườn thì hạ mực nước là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể nhiệm vụ, bố trí nguồn lực ứng phó, bảo vệ rừng cũng như các trạm bơm kịp thời cấp - thoát nước.
Ngoài ra, dự án sản xuất lúa sinh thái là một nội dung quan trọng của đề án, nhằm phát triển hệ thống vùng sản xuất nông nghiệp sạch, sinh thái, đa canh tạo sinh cảnh an toàn cho sự sinh sống của sếu, duy trì đa dạng sinh học khu vực vùng đệm gắn kết du lịch tăng thu nhập cho người dân.
Ông Châu Văn Bo - phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông - cho biết diện tích lúa sinh thái đang thực hiện 112ha, đến năm 2027 tăng lên 200ha. Theo kế hoạch trồng lúa tiết kiệm 50% giống, giảm dần từ 30%, 50%, 70% thuốc, phân hóa học, số hóa nông nghiệp 70% bằng quản lý sâu rầy, truy xuất nguồn gốc.
"Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình kinh doanh lúa gạo bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn lúa sinh thái, xây dựng nhãn hiệu gạo sếu; phát triển thủy sản bản địa trong mùa lũ; thí điểm du lịch sinh thái ruộng vườn. Nông dân đạt lợi nhuận ổn định, thu nhập tăng thêm từ nuôi vịt và cá 4 triệu đồng/ha", ông Bo nói.
Hiện Đồng Tháp đã quyệt dự án được đầu tư tại trại bảo tồn sinh vật thuộc phân khu A3 thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim, tổng diện tích 36.600m2, gồm các hạng mục: khu nuôi nhốt chim sinh sản, khu nuôi nhốt sếu non, di dời khu chuồng cách ly và cứu hộ, cây xanh…
Dự kiến tháng 12-2023 tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn tất các nội dung và công bố đề án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận