UBND TP.HCM kiến nghị kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 đến hết năm 2025 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo đó, UBND TP.HCM cho biết tính đến hết tháng 5, tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 2,2%.
Tổng nợ xấu xác định theo nghị quyết 42 đã xử lý từ tháng 8-2017 đến 31-5-2020 là 123.274 tỉ đồng và chủ yếu được xử lý theo phương thức thông thường (gồm đôn đốc khách hàng trả nợ và mua lại nợ xấu của VAMC). Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn không đáng kể.
Nguyên nhân chủ yếu là việc triển khai gặp nhiều vướng mắc do văn bản hướng dẫn các chính sách chưa đầy đủ.
UBND TP.HCM cũng nêu ra thực tế việc áp dụng quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng còn bất cập liên quan đến yêu cầu về điều khoản thu giữ tài sản trong hợp đồng thế chấp. Dù ngân hàng đã chủ động đàm phán với người vay, nhưng còn phải tùy thuộc vào sự hợp tác của khách hàng.
Nhiều trường hợp dù tài sản đủ điều kiện thu giữ nhưng các bên liên quan chống đối, không hợp tác, thậm chí xảy ra các vụ tranh chấp giả hay các tình tiết mới nhằm ngăn cản việc thu giữ, khi đó việc xử lý theo biện pháp rút gọn sẽ chuyển sang thông thường.
Ngoài ra, tòa án cấp dưới chưa mạnh dạn triển khai thủ tục rút gọn do chưa có tiền lệ và tâm lý sợ sai sót. Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, thủ tục thuế, đăng bộ khi sang tên cho người trúng đấu giá..
Chưa kể vừa qua phát sinh dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng một phần đến xử lý nợ xấu.
"Vì vậy nên cho kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 đến hết năm 2025 vì quá trình xử lý nợ xấu khó khăn, cần thời gian dài hơn. Ngoài ra, cần có chính sách thuế phù hợp liên quan đến việc bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu", UBND TP.HCM kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận