Sáng 14-3, tại TP Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ tổ chức hội nghị lấy ý kiến lãnh đạo 19 tỉnh, thành phía Nam về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Bảng giá đất: 5 năm ban hành một lần hay 1 năm?
Góp ý tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho rằng dự thảo luật quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm là rất tốn kém, nên áp dụng như hiện nay 5 năm một lần. Về cơ quan thực hiện xây dựng bảng giá đất nên giao cho ngành tài chính như trước đây thay vì ngành tài nguyên - môi trường như hiện nay vì ngành tài chính có "chiều sâu" hơn.
Đặc biệt, ông Chiến đề nghị do giá đất 5 năm xây dựng một lần nên hằng năm UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), tuy nhiên việc này nên ban hành cụ thể tới xã, phường, thị trấn chứ không dừng lại ở từng loại đất (đất ở, đất nông nghiệp - PV) như hiện nay.
Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - lại cho rằng giá đất 5 năm ban hành một lần như hiện tại thì đến cuối kỳ giá đất thị trường biến động lớn so với giá Nhà nước ban hành, việc đền bù bị "vênh" dễ phát sinh khiếu kiện.
Còn nếu ban hành hằng năm như dự thảo thì "vừa ban hành xong lại loay hoay làm bản mới". Vì vậy, ông Thư đề xuất: hai năm xây dựng một lần bảng giá đất, hoặc là địa phương nào có biến động 20% thì HĐND địa phương sẽ xây dựng điều chỉnh giá đất.
Nhiều lãnh đạo địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long góp ý về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án, trong đó đề nghị "lượng hóa" nội dung người dân vùng dự án đến nơi ở mới có cuộc sống "bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ".
Ông Huỳnh Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng nên quy định điều kiện về hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân, nêu chung chung thì rất khó xác định.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cũng cho rằng nên quy định có hạ tầng bằng hoặc tốt hơn khu vực nơi họ ở mà thôi để có sự "lượng hóa" nội dung nêu trên.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng đề nghị cần quy định đối với trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án đến 80% diện tích mà không thỏa thuận được nữa thì Nhà nước tham gia thu hồi đất.
Cần quy định thời gian cấp nền tái định cư
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - đề nghị cần bổ sung thời hạn giao nền tái định cư và cấp nền tái định cư vào luật. "Khi giải phóng mặt bằng, bồi thường thì vấn đề này cần đưa vào luật. Ví dụ như sau khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì phải giao nền tái định cư là bao nhiêu ngày? 60 ngày hay 90 ngày?", bà Quyên Thanh gợi ý.
Đồng tình với đề xuất này, TS Phan Trung Hiền - trưởng khoa luật Trường đại học Cần Thơ) - cho rằng nên quy định thời hạn cấp nền tái định cư cùng với thời điểm quyết định thu hồi đất có hiệu lực, và thời điểm cấp giấy chứng nhận sau thời gian 30 hoặc 45 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực.
"Điều này sẽ tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thu hồi đất. Cần đưa vào nguyên tắc cưỡng chế là không được cưỡng chế khi chưa cấp nền tái định cư nếu hộ dân đó thuộc diện tái định cư, để hạn chế trường hợp gây ra khiếu nại khiếu kiện, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Từ năm 2016, Thủ tướng có chỉ thị đã đưa ra vấn đề này, tuy nhiên chưa được đưa vào luật", ông Hiền đề xuất.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết quá trình quản lý đất đai ở khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều điểm khác biệt so với các vùng miền khác trên cả nước. Vì vậy, từ vấn đề làm sao đưa ra được bộ luật đảm bảo yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, văn hóa cho các vùng, miền.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh bộ luật không chỉ đại diện cho vùng này, vùng kia mà phải đảm bảo được tính đa dạng, sự giao thoa trong vấn đề chính sách. Đặc biệt chính sách đất đai đảm bảo mọi người dân được tiếp cận công bằng trên cả nước.
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ lắng nghe, phân tích các ý kiến để nâng cao chất lượng dự thảo Luật đất đai, trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận