Thông tin trên được nêu từ hội thảo góp ý dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 6-5.
Tại buổi góp ý, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết đây là hội thảo góp ý rất quan trọng và cần thiết bởi truyền thống, hình ảnh của ngành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là những kỷ niệm, cảm xúc chạm đến trái tim của mỗi người.
Ngoài những thuật ngữ cần được giải thích rõ nghĩa hơn, với điều “Hợp tác quốc tế về Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”, luật sư Hòa kiến nghị nên làm một chương riêng cho nội dung này. Lý do là hợp tác quốc tế có rất nhiều vấn đề, nhiều điều cần học tập. Hợp tác quốc tế trong Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cần đạt được nhiều mục tiêu, thể hiện thường xuyên, lâu dài.
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM), cho rằng “công trình có nguy cơ sập đổ” cần được đưa vào phạm vi cứu nạn, cứu hộ bởi quy định cứu hộ cứu nạn với các sự cố đã xảy ra nhưng thực tế là có những thứ đang ở mức nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.
“Có trường hợp nhà bị nghiêng, nguy cơ sập, chúng tôi tới nơi thì các đơn vị thi công và chủ nhà chạy hết, trong khi nhà để vậy thì có thể sập đổ, nguy hiểm cho mọi người. Từ xưa đến giờ, chúng tôi chủ yếu chỉ có thể nhờ vả người quen để họ vô chống đỡ giúp, mà như vậy không thể làm hoài”, ông Xuyên nói.
Nêu ý kiến từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Minh Chánh, phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay trang bị phòng cháy chữa cháy còn thiếu thốn do kinh phí hạn chế, nhưng luật vẫn chưa có quy định rõ khoản này. Cần có định lượng hàng năm chi bao nhiêu % cho phòng cháy chữa cháy.
“Địa phương còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt các vụ cháy ở chung cư cao tầng thì phương tiện hầu như không đủ.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, có hơn 10 triệu dân mà không có trực thăng phòng cháy chữa cháy.
Muốn vậy, phải có ngân sách để đảm bảo trang bị mua sắm. Mà trường hợp có trực thăng, muốn bay cũng phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng”, ông Chánh chia sẻ.
Kết luận hội thảo, ông Hà Phước Thắng, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết hội thảo nhận được 11 lượt phát biểu với nội dung đầy tâm huyết, sát với thực tế địa bàn TP.HCM trong thời gian qua.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét các ý kiến đóng góp hết sức phù hợp với dự thảo, đoàn sẽ nghiên cứu, tiếp tục thảo luận trong thời gian tới để tham gia phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận