Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: TTXVN
Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế. Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Từ việc nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế, xã hội và các dự báo, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, bội chi ngân sách và nợ công. Thủ tướng nhấn mạnh: "Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế thì còn khó hơn nhiều".
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ nêu dự kiến điều chỉnh tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5%. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5%.
Ngoài ra, dự kiến điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%). Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỉ đồng so với dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra). Tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Trong phần báo cáo, Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Đồ họa: TUẤN ANH
Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021. Trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Trình Quốc hội thông qua EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) chính thức được trình Quốc hội ngày 20-5 để bấm nút thông qua, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đón đầu cơ hội tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm, giảm nghèo và giúp hồi phục kinh tế mạnh hơn sau dịch COVID-19. Dự kiến hai hiệp định này sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua vào ngày 28-5.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc phê chuẩn EVFTA, ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - đề nghị Chính phủ cần đánh giá thêm tác động của hiệp định sau đại dịch COVID-19. Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày nên cần đánh giá cụ thể hơn để có chuẩn bị kỹ lưỡng.
N.AN - N.HIỂN
Cố gắng đưa GDP vượt ngưỡng 5%
Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, từ đó các kịch bản tăng trưởng kinh tế (GDP) cũng phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại của kinh tế thế giới.
Với kịch bản tăng trưởng 3,6 - 4,4%, tức thế giới chưa khống chế ngay được dịch bệnh, hoạt động giao thương kinh tế vẫn gián đoạn, chúng ta phải dựa vào thị trường nội địa để có tăng trưởng kinh tế. Khi đó, cả nước phải phấn đấu mở rộng sản xuất kinh doanh, khai thác thị trường gần 100 triệu dân, nhất là dịch vụ như hàng không, du lịch nội địa, giải ngân tối đa vốn đầu tư công để xây dựng nhiều hơn, giúp tiêu thụ ximăng, sắt thép ở trong nước, tạo việc làm cho công nhân...
Ông Trần Hoàng Ngân
Còn kịch bản GDP đạt 4,4 - 5,2% là khi thế giới chống dịch tốt hơn, xuất nhập khẩu thông thoáng, doanh nghiệp không chỉ bán được nhiều hàng hóa ở thị trường trong nước mà cả thế giới. Sản xuất nhiều, tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu tốt, tạo việc làm, thu nhập tăng, đời sống người dân sẽ dễ chịu hơn.
Khoảng cách giữa con số 3,6% và 5,2% có thể dẫn đến chất lượng sống của người dân khác nhau. Với đặc thù nền kinh tế Việt Nam lạm phát cao hơn các nước (mục tiêu giữ ở mức 4%/năm), nên GDP phải tăng từ 5% mới giữ mức sống người dân không giảm sút, tạo thêm việc làm cho người đến tuổi lao động. Nếu GDP chỉ tăng 3,6%, người dân sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi tìm việc làm, người có việc có thể bị suy giảm thu nhập, người kinh doanh không gặp thuận lợi vì thu nhập chung của xã hội kém đi...
Tăng trưởng GDP theo kịch bản nào, mức tăng bao nhiêu, Chính phủ sẽ trình cấp thẩm quyền và đưa ra quyết định. Nhưng chúng ta cố gắng không để rơi vào mức thấp, dù biết rằng còn tùy thuộc kết quả phòng chống dịch bệnh. Trước mắt khai thác tốt thị trường nội địa, tận dụng khi có cơ hội từ thị trường thế giới, đưa GDP vượt ngưỡng 5%, đạt mục tiêu 5,2%, thậm chí cao hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội TP.HCM, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận