Heo chết được chở đi tiêu hủy-Ảnh: TH.HẠNH
Ngày 24-5, ông Nguyễn Thành Đức - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang - cho biết trên địa bàn xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp đã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi.
Bà Nguyễn Sol Pha, chủ đàn heo, cho hay ban đầu chỉ 4 con có biểu hiện sốt cao, không ăn, ít vận động, ủ rũ. Gia đình đã đến cơ sở thú y mua thuốc về tự tiêm nhưng không hết.
Nghi ngờ heo có khả năng nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên ngày 22-5 bà Pha đã trình báo cho tổ kinh tế kỹ thuật của xã. Đến ngày 23-5, trạm chăn nuôi thú y huyện Tân Hiệp xuống gia đình tiến hành lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm.
Sáng nay 24-5 có kết quả xét nghiệm đàn heo nhà bà Pha dương tính với dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo của gia đình là 33 con, trong đó có 5 con heo nái, 4 con heo thịt và 24 heo con. Số heo mắc bệnh đã chết đến thời điểm hiện tại là 1 con.
Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp, UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo của gia đình bà Nguyễn Sol Pha, tổng cộng 33 con, trọng lượng tiêu hủy trên 1,7 tấn.
Sau đó cung cấp 28 lít hóa chất để phục vụ công tác tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh. Đồng thời khoanh vùng theo quy định để tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần.
Ông Nguyễn Thành Đức cho biết thêm sau khi ổ dịch xảy ra thì tiến hành phương án 2, tức là chống dịch bằng cách kiểm soát luôn người ra vào ổ dịch và tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng, hạn chế lây lan diện rộng.
Như vậy, Kiên Giang là địa phương thứ 4 của khu vực ĐBSCL phát hiện có ổ dịch tả heo châu Phi. Ngành chức năng khuyến cáo người dân không hoang mang, lo sợ, lựa chọn sử dụng các sản phẩm từ thị có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, nấu chín trước khi dùng. Trong chăn nuôi, chú ý xử lý nguồn thức ăn thừa, vì đây cũng là một trong những con đường khiến heo bị nhiễm bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận