Từ lúc xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, bà con sinh sống ở huyện Tân Hiệp, An Biên, An Minh, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và TP Phú Quốc... có bước chuyển biến mới.
Phá thế độc canh cây lúa để trồng rau màu
Trở về xã Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) khi sắp bước sang năm 2025, chúng tôi không khó để thấy bức tranh nông thôn có sự khởi sắc.
Đường sá thông thoáng, cảnh quan môi trường sạch sẽ và hơn cả là cảnh người dân nhộn nhịp làm lúa và thu hoạch rau màu.
Đang thu hoạch dưa leo, anh Nguyễn Văn Tỏ - người dân ở xã Tân Hiệp A - cho biết anh có khoảng 10 công đất (trong đó anh thuê 4 công đất). Đất ít nên làm lúa lúc trúng lúc thất, gia đình anh mãn vụ lúa cũ đổi lúa mới, lợi nhuận không cao, cuộc sống khó khăn.
Kể từ khi xã Tân Hiệp A xây dựng NTM, anh Tỏ cùng nhiều người dân thay đổi tư duy sản xuất, không phụ thuộc vào cây lúa nữa.
Để phá thế độc canh lúa, anh chia đất trên ra thành hai, 6 công để làm ruộng và 4 công còn lại anh lên liếp trồng rau màu, ớt, khổ qua, dưa leo....
"Hơn sáu năm qua, từ lúc tôi chuyển sang trồng dưa leo thì đời sống thay đổi rõ rệt, lợi nhuận cao gấp đôi làm lúa, con cái ăn học đến nơi đến chốn", anh Tỏ vui vẻ nói.
Trồng dưa leo trên nền đất lúa, anh Tỏ thu hoạch khoảng 4 tấn dưa leo/công/vụ. Thương lái vào tận ruộng thu mua với giá 5.000 đồng/kg nên sau khi trừ đi chi phí, anh có lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/công/vụ.
UBND huyện Tân Hiệp cho biết địa phương hiện có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM (xã Tân Hiệp B đạt chuẩn NTM nâng cao).
Địa phương đang trình tỉnh xem xét công nhận thêm xã Tân Hiệp A và Thạnh Đông A đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Tân Hiệp B đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024.
"Xây dựng NTM được người dân địa phương đồng thuận cao, chung tay thực hiện. Kể từ đó đến nay nông thôn ở địa phương đã thay đổi, kết cấu hạ tầng - kỹ thuật được đầu tư cơ bản, phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, người dân có cuộc sống ổn định, nâng cao" - ông Lê Trường Kế, chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, thông tin.
Giải pháp nào để xây dựng NTM hiệu quả?
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết đến ngày 11-12 Kiên Giang có 112/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 huyện, TP trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương và TP Hà Tiên).
Cuối năm 2024, Kiên Giang tiếp tục tổ chức thẩm định, xét, công nhận các xã còn lại và ước có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, khoảng 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và ước có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Lũy kế khi đó tỉnh sẽ có 116/116 xã đạt chuẩn NTM, 35/30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay dù đạt kết quả nhưng tiến độ thực hiện xã đạt chuẩn theo kế hoạch 2024 ở địa phương còn chậm; công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở một số huyện, TP thực hiện còn nhiều bất cập, chưa thực sự bền vững. Nhiều địa phương tiến độ giải ngân vốn còn chậm.
Để xây dựng NTM hiệu quả hơn nữa, Kiên Giang tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Chỉ đạo các huyện, TP tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, qua đó xác định khối lượng cần thực hiện, phục vụ công tác xây dựng đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ và lộ trình phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.
"Sở ngành và UBND cấp huyện đang tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chủ động lồng ghép các nguồn lực phù hợp để đạt chỉ tiêu. Địa phương duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao nhằm góp phần làm cho đời sống người dân ổn định, kinh tế - xã hội phát triển", ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận