16/12/2024 20:26 GMT+7

Kiên Giang linh hoạt đóng cống ven biển ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2024-2025

Hạn mặn mùa khô 2024-2025 dự báo có xu thế tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng. Kiên Giang chủ động vận hành linh hoạt đóng hệ thống cống ven biển trữ ngọt, ứng phó hạn mặn, bảo vệ năng suất mùa vụ địa phương.

Kiên Giang linh hoạt đóng cống ven biển ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2024-2025 - Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết đảm bảo mùa vụ cho người dân là quan trọng, nên địa phương và các đơn vị liên quan chủ động vận hành đóng cống ven biển ứng phó hạn mặn mùa khô 2024-2025 - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chiều 16-12, Kiên Giang tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Dự báo mặn lên sớm và xâm nhập sâu nội đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, địa phương gieo sạ được hơn 279.000ha.

Theo ông Lê Xuân Hiền - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang, dự báo 6 tháng đầu năm 2025, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh, gây mưa trái mùa. Tháng 3 đến tháng 5-2025, Kiên Giang xảy ra nắng nóng sớm (không gay gắt như năm 2024). Do đó thời điểm này mặn có xu thế tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng.

Dự báo sông Cái Lớn - Cái Bé (huyện Châu Thành) có nồng độ mặn khoảng 4‰, xâm nhập sâu vào khoảng 50-52km (đoạn kênh Năm Dần); đoạn sông Gò Quao có nồng độ mặn khoảng 1‰. Mặn sau đó có xu hướng giảm dần.

Ông Lê Tự Do - giám đốc chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam - thông tin trong khoảng tháng 12-2024 đến tháng 3-2025, đơn vị sẽ vận hành linh hoạt cống Cái Bé để trạm Trâm Bầu có nồng độ mặn không vượt 1‰ và mặn  không quá 3‰ (cuối tháng 3 đến hết tháng 4-2025).

"Đơn vị sẽ căn cứ vào dự báo thời tiết và kế hoạch sản xuất lúa của người dân địa phương, sẽ linh hoạt vận hành đóng cống Cái Lớn - Cái Bé góp phần kiểm soát mặn, hạn chế rủi ro, giữ vững năng suất mùa vụ cho người dân", ông Do nói.

Kiên Giang linh hoạt đóng cống ven biển ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2024-2025 - Ảnh 2.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam sẽ chủ động linh hoạt vận hành đóng cống Cái Lớn - Cái Bé để chủ động ứng phó hạn, mặn trong mùa khô 2024-2025 - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chủ động nhiều giải pháp chống hạn mặn

Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết UBND tỉnh Kiên Giang mới đây có phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu địa phương và các đơn vị liên quan vận hành linh hoạt hệ thống cống ven biển, cống âu thuyền Vàm Bà Lịch và đặc biệt cống Cái Lớn - Cái Bé để ngăn mặn xâm nhập vào kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Long Xuyên… giữ ngọt, đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng để bảo vệ cho hơn 14.300ha lúa, hoa màu của bà con và 8.053ha rừng.

Ngoài ra địa phương triển khai nạo vét 47 kênh, mương và kết hợp làm đê bao, gia cố đắp mới 51 đập đất ở Kiên Lương, An Biên, An Minh… để tăng cường khả năng trữ nước ngọt ở nội đồng; khuyến cáo bà con gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024-2025 sớm tùy vào nguồn nước ở mỗi khu vực.

"Đảm bảo sinh kế và mùa vụ cho người dân là hết sức quan trọng. Địa phương cần rà lại hệ thống công trình ngăn mặn để sớm khắc phục sửa chữa, đáp ứng trữ ngọt. 

Sở mong muốn các đơn vị liên quan và địa phương chủ động vận hành đóng hệ thống cống ven biển, cống Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để đảm bảo tính đồng bộ, ứng phó hạn, mặn mùa khô 2024 - 2025", ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - nhấn mạnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết mùa khô 2023 - 2024, hạn mặn có xâm nhập nhưng địa phương không bị ảnh hưởng, khoảng 213.764ha vụ lúa đông xuân của người dân giữ vững năng suất.

Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao nên hơn 5.400ha tôm nước lợ của người dân nuôi ở huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận… bị ảnh hưởng.

Kiên Giang linh hoạt đóng cống ven biển ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2024-2025 - Ảnh 3.Hạn, mặn ở miền Tây: Còn 2 đợt xâm nhập mặn nữa

Hạn, mặn đến sớm và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây tổn hại, khó khăn trước mắt và lâu dài. Diễn biến hạn, mặn năm nay như thế nào? Kịch bản nào khi hạn, mặn có thể gay gắt hơn?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên