11/02/2015 09:45 GMT+7

​Kiên Giang: hàng trăm hộ dân sống chung với bụi đá

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
KHOA NAM - NHƯ NGỌC

TT - Quanh chân núi Hòn Sóc (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) dài khoảng 5km hiện có gần 600 hộ dân sinh sống, và khoảng 80% trong số đó đang phải sống chung với bụi đá từ nhiều năm nay.

Bà Trần Thị Kết bên khu vườn trắng xóa bụi đá từ máy nghiền trên núi đổ xuống - Ảnh: K.Nam
Bà Trần Thị Kết bên khu vườn trắng xóa bụi đá từ máy nghiền trên núi đổ xuống - Ảnh: K.Nam

Ngày 9-2, bà Võ Thị Kiều Dung, phó chủ tịch UBND xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), xác nhận quanh chân núi Hòn Sóc dài khoảng 5km hiện có gần 600 hộ dân sinh sống, và khoảng 80% trong số đó đang phải sống chung với bụi đá từ nhiều năm nay.

Bà Thị Kiềng - một người dân ở tổ 8, ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn - cho biết mỗi ngày có cả ngàn lượt xe ben chở đá qua lại đây cày nát mặt đường và tung bụi mù mịt.

Bà Trần Thị Kết - ngụ gần nhà bà Kiềng - cho biết thêm không chỉ bụi đường, mà ngày cũng như đêm gia đình bà và nhiều hộ khác còn phải hứng chịu bụi đá từ các máy nghiền ở trên núi Hòn Sóc đổ xuống.

Theo lời bà Kết, trước kia bà con ở đây còn trồng được xoài, đu đủ, mít... để kiếm thêm thu nhập, từ khi các mỏ đá rầm rộ đi vào khai thác thì cây trái trong vườn bị bụi đá phủ trắng, không sống nổi.

Bà Kết đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, đòi bồi thường gửi nhiều cấp, nhiều ngành, chủ mỏ đá của Công ty Hóa An phía sau vườn nhà của bà cũng đã hứa sẽ trợ cấp tiền hằng năm nhưng đến nay chưa thực hiện.

“Chúng tôi cứ ao ước phải chi họ chỉ khai thác, chở đá vào ban ngày thôi, ban đêm để cho bà con được thở thì còn sống được. Lâu nay họ làm cả đêm thử hỏi làm sao chịu nổi. Quê hương, xứ sở, nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông bà đều ở đây thì biết dời đi đâu để sống” - bà Kết than thở.

Nói về mức độ nguy hiểm của bụi đá, bác sĩ Trương Công Thành - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - cho biết người hít loại bụi này lâu ngày chắc chắn sẽ bị mắc bệnh phổi rất khó chữa.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, cho biết cuối năm 2014, sở đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt 13 doanh nghiệp khai thác đá ở núi Hòn Sóc tổng số tiền gần 2,6 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp bị phạt tới 1,52 tỉ đồng. Đồng thời buộc các đơn vị này phải khắc phục các vi phạm trong thời gian 60 ngày và phải đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nằm trong khu vực khai thác trong năm nay.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy tình trạng ô nhiễm tại núi Hòn Sóc vẫn không giảm. Bà Võ Thị Kiều Dung cho biết đã nhiều lần kiến nghị với huyện, tỉnh, rồi các đoàn giám sát, kiểm tra của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận và hứa hẹn với dân nhưng rồi đâu lại vào đó.

Sau nhiều lần bị dân lăn đá chặn xe, mấy tháng nay các doanh nghiệp khai thác đá đối phó bằng cách tưới nước lên mặt đường mỗi ngày ba lần. Nhưng cách này lại khiến đường hư hỏng, trở nên lầy lội làm dân còn khổ sở hơn.

“Theo tôi được biết, các mỏ đá sẽ còn khai thác trong nhiều năm nữa, do đó giải pháp khả thi là hỗ trợ các hộ dân di dời ra khỏi khu vực mỏ đá để vừa tránh bụi vừa tránh rủi ro do đá lăn, mìn nổ trong quá trình khai thác” - bà Dung nêu kiến nghị.

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên