Chiều 13-10, TAND TP Vũng Tàu đã tuyên vụ kiện đòi “chi phí đào tạo” trị giá hơn 3 tỉ đồng giữa Công ty cổ phần dịch vụ Hải Mã và ông Nguyễn Hoàng Chương (33 tuổi, kỹ sư, bị đơn).
Theo đó, tòa chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả cho Công ty Hải Mã số tiền 913.948.609 đồng tiền chi phí đào tạo.
Trước đó, ngày 1-10-2013, ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức - người đại diện theo pháp luật của Công ty Hải Mã - đã khởi kiện đòi ông Chương bồi thường chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế với số tiền 3.041.929.602 đồng gồm: 2.058.215.269 đồng chi phí đào tạo và 983.714.333 đồng tiền thu nhập của bị đơn từ công ty.
Đồng thời, yêu cầu tòa áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với ông Chương.
Trước khi mở phiên tòa, bên nguyên đơn đã rút phần đòi bồi thường về kinh tế, mà chỉ đòi bồi thường về chi phí đào tạo, với số tiền 2.903.492.861 đồng.
Về phía bị đơn cũng phản tố yêu cầu tòa hủy các hợp đồng đào tạo, lao động giữa hai bên vào các năm 2007, 2009 và 2012.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 1-1-2007, ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ Hải Mã, ký “hợp đồng đào tạo” với ông Nguyễn Hoàng Chương.
Theo hợp đồng, Công ty Hải Mã (bên A) sẽ đào tạo, huấn luyện cho ông Chương (bên B) bảo hành, sửa chữa, lắp ráp, vận hành thiết bị khảo sát công trình ngầm điều khiển từ xa (Remotely Opetated Vehicle - ROV) theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Mục đích của hợp đồng này là để “phục vụ cho nhu cầu hoạt động của bên A”.
Và bên A sẽ “tài trợ” cho bên B số tiền 3,2 triệu đồng/tháng trong suốt quá trình đào tạo. Công ty Hải Mã cam kết sau tối thiểu là 5 năm và tối đa là 7 năm, học viên sẽ được công ty cấp chứng chỉ “suppervior” (cấp cao nhất trong các cấp điều khiển ROV).
Ngược lại, sau khi trở thành “suppervior”, bên B phải làm việc cho bên A tối thiểu 5 năm. Trong trường hợp bên B đơn phương nghỉ việc trước thời hạn 5 năm hay vi phạm các quy định và bị bên A chấm dứt hợp đồng, thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế cho bên A.
Ngày 12-7-2013, ông Chương có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nhưng Công ty Hải Mã không đồng ý, còn ông Chương cương quyết nghỉ việc. Sau 45 ngày có thông báo, ngày 28-8-2013, ông Chương chính thức nghỉ việc. Trình bày tại tòa, ông Chương cho rằng do chính Hải Mã vi phạm hợp đồng đào tạo (chuyển ông sang vị trí khác) nên ông chấm dứt, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận vì sau hợp đồng 2007, phía bị đơn đã tiếp tục ký hợp đồng 2009 và 2012.
Hội đồng xét xử đã không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Hải Mã đối với ông Chương suốt từ năm 2007 đến tháng 8-2013 vì từ tháng 11-2009 đến 3-2013, ông Chương bị Hải Mã điều chuyển sang vị trí khác mà không còn là học viên.
Ngoài ra, tòa không chấp nhận phía nguyên đơn tính thiết bị ROV Astrix vào chi phí đào tạo. Do đó, sau khi tính toán, trừ đi những chi phí này do phía nguyên đơn đưa vào, tòa chỉ chấp nhận một phần khởi kiện của Hải Mã và buộc ông Chương phải bồi thường số tiền như trên.
Sau phiên tòa, trao đổi với Tuổi Trẻ, cả ông Chương và đại diện theo ủy quyền của Công ty Hải Mã là ông Đào Trung Trực cho biết sẽ kháng cáo bản án.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xử một vụ án tương tự Ngoài vụ kiện trên, ngày 24-8-2015, TAND TP Vũng Tàu đã xử một vụ kiện khác, cũng là Công ty Hải Mã yêu cầu đòi bồi thường chi phí đào tạo và bị đơn cũng là một kỹ sư đồng nghiệp với anh Nguyễn Hoàng Chương. Chỉ khác là trong vụ này, phía bị đơn bị Công ty Hải Mã sa thải. TAND TP Vũng Tàu đã tuyên buộc kỹ sư này phải hoàn trả số tiền gần 1,3 tỉ đồng phí đào tạo cho Công ty Hải Mã. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận