Thương tổn hồng ban, phù nề, mụn nước, mụn mủ... đối xứng thường thấy ở nếp gấp khuỷu tay, bắp chân - Ảnh: BVCC
Bỏng rộp lan rộng, đau rát
Đã 5 ngày qua, vết bỏng rộp tại nhiều vị trí trên cơ thể như trán, tay, bụng, mí mắt... của chị N.T. (ngụ quận 6, TP.HCM) vẫn không thuyên giảm.
"Đêm đó tôi thấy kiến ba khoang bò lên tóc nên lấy tay phủi. Đến buổi trưa hôm sau, chỗ đó sưng đỏ lên, rồi nổi mụn mủ li ti nhưng tôi không biết do kiến ba khoang. Những ngày sau, vết thương bắt đầu nặng, lan ra rộng hơn thì mới biết nguyên nhân là do chúng", chị T. chia sẻ.
Vì bị kiến ba khoang "đốt" trong thời gian giãn cách xã hội nên chị T. không đến bệnh viện khám được. Chị T. đã ra tiệm thuốc gần nhà mua một tuýp kem về bôi nhưng đến nay vết thương không khô mà còn lan rộng thêm.
Những ngày qua, đường dây tư vấn trực tuyến của Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Lúc bấy giờ, TP.HCM đang trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người bệnh không thể ra đường đi khám nên tự ý dùng thuốc bôi không đúng hay chẩn đoán nhầm bệnh zona thần kinh.
Coi chừng loét, nhiễm trùng vì đắp lá
TS Đoàn Bình Minh, phó viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM (Bộ Y tế), cho hay thời gian gần đây TP.HCM bước vào mùa mưa nên có nhiều kiến ba khoang xuất hiện. Chúng thường xâm nhập vào các khu dân cư... gần cánh đồng lúa, bãi cỏ, vũng nước, công trình xây dựng dang dở.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong hoạt động nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa khiến môi trường sống của côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng dần mất đi khiến chúng xâm nhập vào các khu dân cư.
BS CKII Võ Thị Đoan Phượng - trưởng khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết độc tố Pederin do kiến ba khoang tiết ra (do chúng bị đập hay chà xát, nghiền) làm cho bệnh nhân ban đầu cảm thấy ngứa, bỏng rát, căng da. Sau đó da đỏ và sưng nề, có nhiều mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, thành bóng nước hay bóng mủ vào vài ngày sau. Vết thương xuất hiện thành đường, nếu bệnh nhân cào gãi hay chà xát sẽ làm tổn thương lan sang vị trí khác.
Bác sĩ Phượng cho hay trong quá trình điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nhiều bệnh nhân bôi thuốc acyclovir do bị chẩn đoán nhầm là bệnh zona thần kinh (do virus gây ra). Hoặc người bệnh tự ý bôi các thuốc màu, đắp lá cây hoặc các biện pháp dân gian khác khiến vết thương bị loét, lan rộng hoặc nhiễm trùng.
Phòng và xử trí ra sao?
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tránh đánh đập nát kiến ba khoang khi thấy kiến ba khoang. Nếu thấy chúng ở trên da có thể thổi chúng đi hoặc cho chúng vào 1 tờ giấy rồi bỏ đi. Vùng da tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa bằng nước sạch.
Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng, giặt thật kỹ sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang.
Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà ta có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại, nên ngủ mùng và tắt đèn khi ngủ, hạn chế mở cửa nhiều vào ban đêm và nên bung rèm cửa. Tránh tiếp xúc xà bông, ánh sáng mặt trời có thể làm tổn thương da nặng hơn. Tránh gãi, cọ xát để dính độc tố sang các vùng da khác làm lây lan thương tổn.
Về phương pháp điều trị, bác sĩ Phượng hướng dẫn viêm da tiếp xúc kích ứng (do độc tố của kiến ba khoang gây ra) hay bệnh zona thần kinh (do virus gây ra) thì thuốc tây có nhiều thuốc đặc trị hơn.
Trường hợp nhẹ có thể sử dụng các loại corticoid bôi mức độ nhẹ thời gian ngắn khoảng 5 - 7 ngày. Trường hợp nặng da đỏ hay nóng rát nhiều, chảy mủ, lở loét cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận