Đội Cảnh sát giao thông Hàng Xanh xử lý người vi phạm nồng độ cồn tối 2-1 - Ảnh: MINH HÒA
Hiện dư luận rất quan tâm Nghị định 100/2019/NĐ-CP (có hiệu lực 1-1-2020) bởi mức phạt người uống rượu bia lái xe rất cao và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng.
Nhiều người cho rằng cảnh sát giao thông gặp khó khăn khi người vi phạm nghĩ cách đối phó, thậm chí quăng xe bỏ chạy sẽ đỡ tốn tiền phạt?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Onine, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM chia sẻ những thắc mắc xung quanh câu chuyện này.
Theo thống kê, tính đến ngày 6-1, PC08 đã lập biên bản xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm.
Trong đó có hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (10 trường hợp lái ôtô, hơn 190 xe máy). Lực lượng PC08 vừa xử phạt vừa giải thích và hầu hết người vi phạm chấp hành bị phạt.
Mục đích của cảnh sát giao thông cũng không phải xử phạt, thu tiền phạt mà muốn tuyên truyền cùng chấp hành pháp luật tốt hơn, khi tham gia giao thông phải an toàn cho chính mình, cho người xung quanh.
Trong trường hợp người lái xe không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý vi phạm ở mức cao nhất theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người lái ôtô (các loại xe tương tự) không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Đối với người lái xe máy (các loại xe tương tự) không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Ngoài ra theo PC08, trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm, bên cạnh lực lượng cảnh sát giao thông có sự phối hợp của cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, tổ công tác 363 và huy động cả lực lượng công an phường, xã, thị trấn.
Điều này có ý nghĩa vừa giám sát tiêu cực, vừa hỗ trợ nhau xử lý khi gặp những trường hợp người lái xe cù nhầy đối phó, có biểu hiện chống đối và không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn…
Khi đó, ngoài việc không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý vi phạm ở mức cao nhất, các lực lượng phối hợp địa phương, xử lý những hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… tùy theo mức độ, kể cả xem xét xử lý hình sự.
Năm 2019 có 634 người chết tại TP.HCM
Thống kê trong năm 2019, trên địa bàn TP.HCM xảy ra hơn 3.400 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 634 người, hơn 2.400 người bị thương, hư hỏng hơn 5.100 xe các loại...
Theo PC08, uống rượu bia khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Trong năm 2019 đã xử lý hơn 28.127 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trong đó có 1.204 lái xe ôtô, 26.923 lái xe máy) và xử lý 37 trường hợp lái xe tải dương tính ma túy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận