Vì sao chính quyền đang quyết tâm số hóa, triển khai quy trình một cửa... hạn chế bớt giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ và người dân trong thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về nhà đất, để hạn chế nảy sinh tiêu cực, nhưng vẫn có quy trình cho phép cán bộ gặp dân trực tiếp.
Ai phải chịu trách nhiệm "bẻ cò" quy trình trên luật này để cán bộ có điều kiện kiểm tra "trực tiếp"?
Vì thế, khi giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản khẳng định Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hiện trạng nhà là sai, người dân đồng tình nhưng đa số vẫn yêu cầu không thể dừng ở chấn chỉnh.
Cần phải làm rõ sai từ đâu, các hồ sơ đã được xử lý theo "quy trình kiểm tra trực tiếp" này đã được cán bộ giải quyết ra sao?
Thật ra không phải đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP có văn bản chấn chỉnh thì vấn đề kiểm tra hiện trạng nhà ở đã có sổ mới được khẳng định là không có cơ sở pháp lý. Trước đó Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan cũng không quy định kiểm tra hiện trạng nhà ở khi sang tên sổ hồng.
Thế nhưng quy trình này lại được ban hành trong quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trước đó là quy chế năm 2019.
Nay đã rõ. Ba luật mới về nhà đất (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bất động sản) có hiệu lực từ 1-8 cũng không có điều khoản nào cho phép kiểm tra như vậy. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ra văn bản khẳng định Văn phòng đăng ký đất đai đi kiểm tra nhà đã có sổ là sai.
Dù có thể quy chế phối hợp như một liều thuốc mạnh chữa bệnh xây dựng trái phép. Nhưng bất kể thế nào cũng phải tuân thủ theo luật.
Hơn nữa phải trở lại một câu hỏi đã cũ là vì sao chính quyền đã lập ra bộ máy trật tự đô thị, địa chính - nhà đất phường để quản lý việc xây dựng trên địa bàn, xe chở vật liệu đi đâu các anh biết hết, thế thời gian qua các anh thực hiện công vụ ra sao mà nay khi người dân bán nhà vẫn phải xuống kiểm tra?
Thật khó kể hết tâm trạng của người dân khi mua bán nhà phải chờ đợi "đi kiểm tra". Các giao dịch bị chậm lại để chờ đợi là phát sinh chi phí. Vì thế ai cũng muốn kiểm cho xong, khó tránh khỏi những việc không "chuẩn mực".
Nếu chuyện không chuẩn mực này xảy ra, ai được lợi? Đâu phải bây giờ, trước ngày 1-8, nhiều người cũng đã ta thán về các đợt kiểm tra này rồi.
Sự phản hồi tích cực của người dân trước văn bản chấn chỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho thấy quy trình kiểm tra là có vấn đề. Đối chiếu với luật mới đều không cho phép kiểm tra dạng này.
Việc kiểm tra cũng không phù hợp với cải cách thủ tục hành chính cũng như mục tiêu chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong thủ tục nhà đất. Sai phải sửa. Người dân đang chờ sửa thế nào. Đồng thời hãy cung cấp cho người dân một số điện thoại, địa chỉ email để họ phản hồi những tiêu cực, nhũng nhiễu về thủ tục nhà đất.
Có như vậy các cơ quan chức năng của TP mới có thêm thông tin để chấn chỉnh một lĩnh vực mà nhiều người cho rằng đã có nhiều cải cách nhưng lại xì xào điều tiếng, đó là thủ tục nhà đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận