Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, ngày 3-5, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có công văn nêu rõ tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.
Đã có nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi xung quanh vấn đề này cũng như chuyện "Giá vé máy bay 'nóng' làm hạ nhiệt du lịch Việt".
Sao không kiểm tra sớm hơn?
"Rất hoan nghênh các cơ quan bộ ngành vào cuộc", tài khoản Mr Le viết.
Một số bạn đọc ủng hộ chủ trương trên của Bộ Giao thông vận tải nhưng cho rằng lẽ ra bộ nên kiểm tra sớm hơn, tức trước dịp lễ, khi đó giá vé máy bay đã tăng cao rồi. Nếu làm sớm hơn thì hy vọng giá vé giảm và là cơ hội cho người dân đi du lịch nhiều hơn.
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Minh Tâm bổ sung: "Rất vui khi Bộ Giao thông vận tải đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân. Là người dân, tôi hy vọng làm ra ngô ra khoai vụ này".
Bên cạnh các ý kiến đồng tình việc kiểm tra là cần thiết, một số ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa chứ không nên làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi".
"Việc kiểm tra cần phải cụ thể hơn, như: có hay không hành vi cùng nhìn nhau tăng giá để tăng lợi nhuận, các loại phí như phí quản trị hệ thống là phí gì, tại sao phí cao ngất ngưởng, cơ quan nào giám sát mà để tình trạng giá vé hỗn loạn như hiện nay...", bạn đọc Tiến Anh viết.
"Vì sao lúc đắt khách thì không kiểm tra. Giá vé cao, khách ít sử dụng vì vượt quá thu nhập thì bắt đầu kiểm tra. Sao không kiểm tra ngay từ đầu để dân vi vu các ngày lễ, ngành du lịch cũng không than phiền, du lịch trong nước phát triển...", bạn đọc Hoàng Nam góp ý thêm.
Trong khi đó bạn đọc Đoàn Hòa đặt câu hỏi: "Sao vé máy bay tăng lâu rồi, giờ Bộ Giao thông vận tải mới yêu cầu kiểm tra? Lỡ ngành hàng không áp giá vé sai thì tiền hành khách đã mua vé giá cao có được hoàn lại không?".
Coi chừng có ngày khách quay mặt
Theo nhiều bạn đọc, sở dĩ có tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng như hiện nay, một phần là do ngành hàng không được quá nhiều sự ưu ái.
"Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì các hãng hàng không có thể ngầm định giá sàn và cùng nhau bóp nghẹt người dùng", bạn đọc Biển Lê cảnh báo.
"Cơ quan chức năng cần buộc các hãng hàng không phải minh bạch trong cơ chế tính giá vé máy bay, không thể phụ thuộc vào giá trần hay thả nổi được", bạn đọc Biển Lê đề nghị.
Bạn đọc này kể: "Trước đây tôi từng sống ở London, có rất nhiều hãng máy bay với giá rẻ không tưởng. Hồi đó (và cho tới bây giờ vẫn còn) tôi hay vào trang quảng cáo của Rayan Air và chỉ với 10 bảng Anh (300.000 đồng) tôi có thể đi tới hầu hết các thành phố của châu Âu. Tôi từng bay một vòng qua 5 thành phố của cả Tây Âu và Đông Âu chỉ với hơn 5 triệu đồng tiền vé máy bay".
Và bạn đọc này đặt câu hỏi: "Tại sao họ làm được vậy trong khi giá năng lượng thì ngang nhau?".
"Giá vé trở về thấp hơn, người dân có lợi hơn. Khi đó các hãng hàng không cũng thu được nhiều tiền hơn, lợi nhuận nhiều hơn", bạn đọc Ngô Xuân Mười mong muốn.
Bạn đọc Quang Phú đặt câu hỏi: "Có phải là do các chi phí tăng cao nên vé máy bay tăng?". Bạn đọc này cũng đưa ra lời cảnh tỉnh: "Dịp lễ vừa qua, như trong bài báo, khách đi máy bay giảm do họ chọn đường bộ. Nếu các hãng hàng không vẫn vì lợi nhuận mà giữ giá vé cao, coi chừng chắc chắn có ngày khách sẽ quay mặt nếu có sự lựa chọn khác, đường bộ chẳng hạn".
Cùng đưa ra giải pháp, bạn đọc tài khoản Hello gợi ý: "Cần khẩn trương làm đường sắt cao tốc. Có kết nối giao thông công cộng thuận lợi với hệ thống đường sắt, đảm bảo giá vé máy bay sẽ không còn cao nữa".
Giá vé máy bay tăng dẫn đến nhiều thiệt hại
1. Không chỉ vào dịp cao điểm mà ngày thường giá vé nội địa cũng rất cao, thậm chí cao hơn so với giá vé máy bay đi quốc tế. Đơn cử như chặng bay Hà Nội - Phú Quốc giá vé máy bay lên tới 7 - 9 triệu đồng, ngang với tour trọn gói đi du lịch 5 ngày 4 đêm tại Thái Lan.
Vì sao Thái Lan có được mức giá này? Đó là kết quả sự hợp tác chủ động từ các bên hàng không, điểm đến và công ty tổ chức tour với nhạc trưởng là tổng cục du lịch nước này. Nhưng với tour trong nước, không dễ làm được điều này.
2. Trái ngược với kỳ vọng sân bay nườm nượp khách trong ngày lễ 30-4, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ vắng khách. Tân Sơn Nhất đã thống kê sáu ngày cao điểm lễ cho thấy khách nội địa sụt giảm, trong khi khách quốc tế tăng.3. Các hãng hàng không lời lớn do đâu? Chắc hành khách nói riêng và người dân nói chung cũng trả lời được câu hỏi này mà. Câu hỏi đâu có gì khó.
Bạn đọc 5 Mì Lát
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận