Đoàn kiểm tra của Ban ATTP TP kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Đ.T (Q.Tân Phú), nơi được xác định cung cấp bánh trẻ ăn bị ngộ độc - Ảnh: MỸ THƯƠNG
Bước đầu, công ty trên được xác định là đơn vị cung cấp bánh mì nghi gây ra vụ ngộ độc cho các em thiếu nhi và một số người lớn xảy ra tại quận Tân Phú chiều 28-10.
Theo ghi nhận, Ban ATTP TP tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan gồm giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận sức khỏe của các nhân viên.
Ngoài ra, đoàn công tác còn kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất các loại bánh kem, bánh mì... tại đây.
Khuôn viên sản xuất bánh của chi nhánh Công ty TNHH Đ.T (Q.Tân Phú) - Ảnh: MỸ THƯƠNG
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, trụ sở công ty này là căn nhà khoảng 5 tầng, trong đó 3 tầng trên là nơi sản xuất bánh, tầng giữa là văn phòng làm việc và phía dưới là nơi bán hàng. Khi đoàn kiểm tra tiếp cận các công nhân tại đây vẫn đang thực hiện các công đoạn sản xuất bánh bình thường.
Các phóng viên báo đài có mặt tại đây chỉ được cho tác nghiệp một lúc, còn Ban ATTP TP tiến hành làm việc với đại diện của đơn vị này riêng.
Sáng cùng ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của các bệnh nhi nhập viện cấp cứu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở Q.Tân Phú ngày 28 - 10.
Ông Nguyễn Văn Huấn (cha của bé N.T.T.T, 7 tuổi) bị ngộ độc nhập viện kể lại vụ việc - Video: HOÀNG LỘC
PGS.TS Pham Văn Quang, Trưởng khoa hồi sức tích cực - Chống độc cho biết trong ngày 28 - 10 đơn vị tiếp nhận tổng cộng 11 ca bệnh nhi từ 6 - 8 tuổi bị ngộ độc thực phẩm vào cấp cứu. Trong đó, có 6 ca bị ngộ độc nặng, 5 ca nhẹ.
Khi tiếp nhận các bệnh nhi có biểu hiện ói, nôn, tiêu chảy nhiều. Trước tình trạng này đơn vị xác định các em bị tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa có thể do nhiễm trùng hoặc nhiễm độc nguồn gốc từ thực phẩm.
Sau khi được điều trị hồi sức tích cực, truyền dịch tấn công thì đến sáng nay tình hình sức khỏe của các em tạm ổn định. Một số em sau khi sơ cấp cứu ban đầu được chuyển qua khoa tiêu hóa nằm nghỉ ngơi, có thể xuất viện nếu không có dấu hiệu bất thường.
Ghi nhận tại khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện đến thời điểm này các bé hoàn toàn tỉnh táo, có thể nói chuyện được.
Ngồi kế bên chăm sóc con gái anh Nguyễn Văn Huấn (36 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) kể khoảng 11h30 hôm qua khi anh đi bán hàng ở chợ về thì thấy con gái N.T.T.T (7 tuổi) đang nôn ói.
PGS.TS Pham Văn Quang, Trưởng khoa hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cung cấp thông tin các ca bệnh - Video: HOÀNG LỘC
"Tôi hỏi ăn gì thì vợ nói bé được nhà thờ phát cho cái bánh ngọt có trứng cút, chà bông. Hai mẹ con chia nhau ăn, bé ăn trứng cút được khoảng nửa tiếng bị nôn ói đi cầu liên tục còn mẹ không vấn đề gì. Tôi thấy sốt nên đưa bé vào bệnh viện cấp cứu tới giờ" - anh Huấn kể.
Các phóng viên báo, đài dự buổi cung cấp thông tin về sức khỏe của các bệnh nhi sáng 29 - 10 - Ảnh: HOÀNG LỘC
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng cùng ngày, bác sĩ Lương Văn Sinh - phó giám đốc Bệnh viện Q.Tân Phú xác nhận số bệnh nhân chính xác nhập bệnh viện cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm trong ngày 28 - 10 là 55 người (có 2 người lớn).
Sau khi sơ cứu ban đầu, đơn vị chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau bé, Nhi Đồng 2 một bé, Nhi Đồng TP hai bé. Đến nay, có trên 20 ca bệnh xuất viện, các ca còn lại sức khỏe ổn định.
Nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm
PGS.TS Pham Văn Quang, Trưởng khoa hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết trong năm 2018 đơn vị chưa ghi nhận ca nào ngộ độc hàng loạt, chỉ lẻ tẻ.
Ông Quang cảnh báo, trong thức ăn có nhiều nguy cơ gây ngộ độc nếu không bảo quản tốt, đảm bảo vệ sinh ATTP.
Các tác nhân có thể là từ vi khuẩn, hóa chất bảo dưỡng, các chất phụ gia trong bảo quản thực phẩm.
"Thực phẩm nếu bảo vệ tốt nhất là 4 - 6 độ còn quá giới hạn trên, bảo quản trong thời gian quá lâu thì vi trùng sinh sôi phát triển gây ngộ độc.
Ngoài ra, nguyên nhân ngộ độc có thể do các loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây trồng, rau, quả.
Hoặc khi thu hoạch không đúng cách, đúng thời gian khiến tồn dư hóa chất chưa đào thải hết" - PGS.TS Pham Văn Quang khuyến cáo.
Khi bị nhiễm độc đường tiêu hóa có biểu hiện ói, đau bụng, sốt, nhức đầu. Ngay lúc này, cần có biện pháp đảm bảo cho người bệnh không mất nước, đưa cơ quan y tế để can thiệp ngay nhằm đào thải, cung cấp chất trung hòa, truyền dịch...để tránh trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận