31/10/2019 07:37 GMT+7

Kiểm tra 6 điểm, học sinh phải cam kết 'đạt điểm cao hơn'

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Con tôi làm bài kiểm tra 6 điểm phải làm bản cam kết hứa lần sau sẽ đạt điểm cao hơn, và phải có chữ ký phụ huynh', một phụ huynh có con học tại một trường THCS ở TP.HCM than thở.

Kiểm tra 6 điểm, học sinh phải cam kết đạt điểm cao hơn - Ảnh 1.

Bản cam kết của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi do giáo viên chủ nhiệm cung cấp

"Con tôi năm nay học lớp 6. Học sinh mới từ bậc tiểu học vào học THCS còn rất nhiều bỡ ngỡ với trường, lớp mới, thầy cô, bạn bè mới và đặc biệt là các con vẫn chưa quen với cách giảng dạy, cách học của bậc THCS. Vì thế, những bài kiểm tra đầu năm đa số các con đều không đạt điểm cao. 

Thế nhưng, thật khác với những trường THCS khác khi giáo viên yêu cầu phụ huynh không được gây áp lực điểm số cho con em mình thì ở lớp của con tôi, cứ em nào bị điểm thấp là phải làm bản cam kết tự nhận lỗi, đồng thời hứa lần kiểm tra sau sẽ đạt điểm cao hơn. 

Con tôi làm bài kiểm tra đạt 5 điểm, 6 điểm cũng phải làm bản cam kết như vậy" - đó là chia sẻ của một phụ huynh học sinh lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TP.HCM với Tuổi Trẻ.

Về vấn đề này, cô U., giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi, cho biết: "Đầu năm học 2019-2020, thấy học sinh lớp mình chủ nhiệm bị điểm dưới trung bình nhiều quá, tôi rất xót. 

Trong đó có khoảng 10/49 em thường xuyên bị điểm dưới trung bình các môn, nên tôi yêu cầu những em này làm bản cam kết, về nhà đưa cho phụ huynh ký tên vào rồi nộp cho cô. Trong bản cam kết các em hứa với cô phải cố gắng học để lần sau không bị điểm kém nữa".

Theo cô U., học sinh lớp 6 mới từ tiểu học lên, do đó các em vẫn còn thói quen học như hồi tiểu học: ít phải học bài, ít phải làm bài kiểm tra, hoặc có làm bài kiểm tra cũng không lấy điểm... Thế nên nhiều học sinh chưa biết cách học và cũng không chịu học bài khi đến lớp.

Cô U. khẳng định: "Đây chỉ là một cách để kích thích học sinh cố gắng học tập. Tôi giữ những bản cam kết này làm kỷ niệm, chứ không có ý định hạ bậc hạnh kiểm của học sinh", đồng thời cho biết học sinh trong lớp có chút ít tiến bộ sau khi làm bản cam kết.

Đúng là việc yêu cầu học sinh làm bản cam kết của cô U. bắt đầu từ ý tốt của cô. Nhưng trên thực tế, cô đã vô tình gây áp lực lớn cho học sinh về điểm số

Ở bậc tiểu học, hầu hết học sinh khi làm bài kiểm tra toàn đạt điểm 9-10, em nào bị 7-8 điểm là thuộc "thành phần cá biệt" trong lớp. Khi lên lớp 6, nhiều học sinh đã bị sốc với lịch kiểm tra dày đặc của hơn 10 môn học, hết kiểm tra 15 phút lại đến 1 tiết, rồi kiểm tra miệng, rồi làm bài thực hành…

Khi nhận kết quả kiểm tra với điểm dưới trung bình, hẳn các em đã rất buồn. Vậy mà cô chủ nhiệm lại "bồi" thêm một bản cam kết nữa thì thật căng thẳng và tội nghiệp cho học sinh (bản cam kết này phải có chữ ký của phụ huynh mới được xem là hoàn thành). 

Chưa kể những em đạt điểm 5-6 cũng phải làm bản cam kết, chẳng lẽ cô giáo muốn tất cả học sinh trong lớp đều phải đạt điểm giỏi?

Theo bạn, có nên dùng bản cam kết để khuyến khích học sinh học tốt hơn? Thầy cô có thể làm gì để kích thích học trò cố gắng học tập? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Gửi bình luận dưới bài.

"May không bị điểm thấp, nếu không con nhừ xương với bố" 'May không bị điểm thấp, nếu không con nhừ xương với bố'

TTO - Chúng ta hẳn không xa lạ gì khi trong những lần gặp gỡ của phụ huynh, câu hỏi cửa miệng luôn là: Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì?...

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên