Ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 28-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Nhiều khoản chi không đúng quy định
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nhiệm vụ chi ngân sách năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp. Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỉ đồng.
Kho bạc Nhà nước cũng phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỉ đồng.
Triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.
Cùng ngày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, chỉ ra tỉ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp.
Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức là 331 tỉ đồng; giao dự toán và đưa vào quyết toán chi thường xuyên một số nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.991 tỉ đồng.
34/45 địa phương được kiểm toán đã sử dụng sai nguồn 889 tỉ đồng; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỉ đồng; 37/45 địa phương chưa hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định 1.606 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng tổng hợp đưa vào quyết toán ngân sách năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương 5.370 tỉ đồng.
Cơ cấu nguồn thu chưa bền vững
Thẩm tra các báo cáo trên, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội chỉ ra nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, cơ cấu thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 84-85%; tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP. Nhưng thực tế năm 2018, cơ cấu thu nội địa chỉ chiếm 80,7% tổng thu ngân sách nhà nước; tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP.
Đồng thời, thu nội địa không bao gồm các khoản thu về nhà, đất giảm 1,7% so với dự toán; nếu loại trừ tăng thu từ tiền sử dụng đất, chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước không giao dự toán và thu trước hạn một số khoản thuế, lợi nhuận sau thuế tại doanh nghiệp thì thu nội địa chỉ đạt 96,7% dự toán.
Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả 3 khu vực 2 năm liên tục không đạt dự toán: thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm 7,9% so với dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể thu từ dầu thô) giảm 14,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 3,8%.
Năm 2018 tăng thu so với dự toán nhưng số vượt thu chủ yếu là do thu từ nhà, đất tăng 67,5%; thu từ dầu thô tăng 84%; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước tăng 16,1%.
"Thực trạng các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước, còn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, cho thấy cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực", Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội nhận định.
Dự chi 273.000 tỉ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sáng 28-5, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và thẩm tra về quyết định đầu tư "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", giai đoạn 2021-2030, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày.
Tờ trình đánh giá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất.
Chính phủ nhận định nguyên nhân là do khu vực này chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; chưa kể biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường…
Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, do đó Chính phủ đề nghị đầu tư chương trình này với tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 137.664,95 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 dự kiến 134.270,70 tỉ đồng.
N.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận